Không đủ tu dưỡng
Tô Đông Pha là một thi nhân nổi tiếng thời Tống, được hậu thế xưng tụng là “Đường Tống bát đại gia” (8 đại gia văn học lớn thời Đường Tống). Ông có tài nhưng đôi khi cũng khá kiêu ngạo. Một hôm, Tô Đông Pha lên chùa, ngồi thiền cùng một lão tăng.
Một lúc sau, ông mở mắt ra hỏi: “Ngài thấy dáng ngồi thiền của tôi ra sao?“.
Lão tăng nhìn khắp một lượt rồi gật đầu khen ngợi: “Trông giống như một vị Phật vậy, cao quý và trang nghiêm“. Tô Đông Pha nghe thấy rất cao hứng.
Lão tăng lại hỏi: “Thế ngài nhìn tôi ngồi ra sao?“.
Vốn thích hay trêu chọc người khác, Tô Đông Pha nghĩ ngợi một lát rồi đáp: “Tôi nhìn thấy ngài quả giống như một đống phân bò“.
Lão tăng nghe xong ngửa mặt lên trời cười, cũng không phản bác lại gì. Về nhà Tô Đông Pha hào hứng đem câu chuyện kia kể lại với em gái Tô Tiểu Muội của mình. Không ngờ nghe xong, Tô Tiểu Muội phá lên cười, cho rằng anh trai mình thật ngốc nghếch.
Đông Pha không hiểu chuyện, liền gặng hỏi. Tô Tiểu Muội đáp: “Lão tăng ấy có tâm Phật nên mới nhìn huynh giống như Phật. Còn trong tâm huynh lại có đầy phân bò, rác bẩn nên mới nói lão tăng như vậy đó!“.
Đây chẳng phải chính là câu chuyện về cảnh giới tu dưỡng tâm hồn hay sao? Người đức cao vọng trọng thì trong tâm chứa đầy thiện tâm, từ câu nói, ánh nhìn đều toát ra vẻ thuần thiện, mỹ hảo, nhìn người khác đều bằng một lòng từ bi, hoà ái, trông thấy ai cũng giống như Phật, đều nhìn ra vẻ thánh thiện của người ta.
|
Ảnh minh họa. |
Còn người tu dưỡng không đủ, cảnh giới tinh thần thấp thì trong tâm chứa đầy rác của lòng đố kỵ, tâm oán ghét, thói tự phụ, sự khoe khoang, một khi nhìn người khác thì chỉ thấy cái xấu xa, thấp hèn, đáng phê phán, nhìn bằng một tâm đố kỵ dâng đầy.
Tâm thái của bạn như thế nào sẽ quyết định cách bạn đối nhân xử thế ra sao. Chỉ trích người khác, soi mói cuộc sống của người xung quanh kỳ thực thường là do sự tu dưỡng của bản thân không đủ.
Sở dĩ gặp quá nhiều điều không thuận mắt không phải là vì người ta bị ghét bỏ, mà chính bởi thái độ đối nhân xử thế của họ có vấn đề.
Không đủ tầm nhìn
Con ếch suốt đời chỉ ngồi đáy giếng, khoảng trời của nó chỉ nhỏ con con đúng bằng miệng giếng. Bảo nó rằng vũ trụ này bao la ra sao, có biết bao tinh tú thế nào, nó thực chẳng tin, còn cho là người ta nói chuyện viển vông, nhăng cuội.
Thấy người khác không thuận mắt kỳ thực chính là bản thân mình đang sống như ếch ngồi đáy giếng. Vì hiểu biết và tầm nhìn của cá nhân bị giới hạn nên tư duy cũng nhỏ hẹp, không thoát khỏi lớp vỏ do chính mình tạo ra.
Những người này hàng ngày chỉ thích quan sát cuộc sống của người khác, bình phẩm này nọ, bàn ra tán vào. Họ dùng tiêu chuẩn của cá nhân, quan điểm của bản thân mà đánh giá người khác. Kỳ thực làm sao mà đánh giá được đây?
Rất nhiều người bản thân đã không biết cố gắng, lại mang lòng ghét bỏ, oán hận khi thấy người khác quá nỗ lực, chế giễu người khác là kẻ ngốc chỉ biết vùi đầu làm việc, không hiểu cách hưởng thụ cuộc sống.
Lại có người cả cuộc đời ngồi rỗi, ăn không mà cứ thấy gai mắt khi nhìn thấy người khác dốc sức phấn đấu. Bản thân không đạt được còn muốn ngăn trở người khác giành lấy.
Rất nhiều chuyện không thuận mắt, kỳ thực xét tới tận cùng vẫn là vì cảnh giới nhận thức của bản thân còn thấp, kiến giải chưa nhiều.
Không đủ bao dung
Khi không đủ thiện tâm, bao dung, người ta nhìn gì cũng chẳng thấy vui. Chính là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du), cũng lại là “Tướng tuỳ tâm sinh, cảnh tuỳ tâm chuyển” (Tướng mạo do tâm mà sinh ra, cảnh vật do lòng người mà thay đổi).
Nhìn một người không thuận mắt, thì người thấy khó chịu lại chính là bản thân mình. Không bao dung cho người hoá ra chính là không thể từ bi với bản thân, không cho bản thân một lối thoát.
Mỗi người có một cuộc đời, số phận đã được định mệnh an bài sẵn. Tiền tài, danh vọng, quyền lực… không phải do tranh giành mà có được, nếu có được cũng chẳng lâu bền. Phúc phận của người ta được quyết định bởi cách sống và thái độ ứng xử trên đời. Sống tốt thì có phúc báo, bao dung, lấy thiện đãi người thì ắt được thanh thản, thoải mái.
Không vừa mắt với người khác chính là do thấy họ khác mình quá xa, có thể hơn, có thể kém mình. Nhưng kỳ thực, mỗi người sinh ra đều có một cuộc đời khác biệt nhau từ đầu. Mọi sự khác biệt đều có thể bao dung, đều có thể dùng lòng từ bi mà dung chứa, đó mới là cảnh giới cao nhất của đạo làm người.
Phúc đức đến từ thiện lương
Walter Salles là đạo diễn phim nổi tiếng người Brazil. Trong một lần chuẩn bị cho bộ phim mới của mình, Walter đã tới vùng ngoại ô ở phía Tây thành phố. Và tại đây, khi đứng trên quảng trường trước nhà ga thì ông gặp một cậu bé đánh giày khoảng hơn 10 tuổi.
Cậu bé hỏi: “Thưa ông, ông có muốn đánh giày không ạ?”
Walter cúi đầu nhìn đôi giày da bóng loáng dưới chân mình rồi lắc đầu từ chối. Khi ông vừa quay người bước đi thì đột nhiên cậu bé gọi từ phía sau. Khuôn mặt cậu bé đỏ ửng, ánh mắt nhìn ông như đang van nài: “Ông ơi, cả ngày hôm nay cháu chưa được ăn gì cả, ông có thể cho cháu mượn chút tiền không ạ? Từ ngày mai cháu sẽ đánh giày chăm chỉ hơn, đảm bảo là sau một tuần cháu sẽ trả lại tiền cho ông!”
Walter động lòng trắc ẩn, ông bèn lấy ra vài đồng xu đặt vào tay cậu bé. Cậu bé rối rít nói lời cảm ơn rồi chạy vụt đi.
Walter lắc đầu, những đứa trẻ sành sỏi sự đời như thế ông đã gặp nhiều rồi. Và rồi ông lại cuốn vào vòng xoáy bận rộn với bộ phim mới nên cũng quên luôn chuyện cậu bé mượn tiền.
Bẵng đi một thời gian, ông lại có dịp đi qua nhà ga ở ngoại ô phía Tây thành phố. Bỗng nhiên một bóng dáng gầy guộc và nhỏ bé vẫy gọi ông từ xa: “Ông ơi, ông đợi một chút ạ!”
Tới khi cậu bé mồ hôi nhễ nhại chạy đến đưa cho ông vài đồng xu thì Walter mới nhận ra đó là cậu bé đánh giày ngày nào.
Cậu bé thở hổn hển: “Ông ơi, cháu đợi ông ở đây lâu lắm rồi, hôm nay cuối cùng cháu cũng trả lại tiền cho ông!”
Walter cầm đồng xu ướt nhẹp mồ hôi, đột nhiên trong lòng ông trào lên một luồng hơi ấm áp. Ông đặt các đồng xu vào tay cậu bé, cười và nói với cậu rằng: “Ngày mai cháu tới văn phòng công ty điện ảnh ở trung tâm thành phố tìm ông nhé, ông sẽ dành cho cháu một điều bất ngờ”.
Hôm sau, nhân viên công ty điện ảnh nói với Walter rằng trước cửa có một vài đứa trẻ mặc quần áo rách rưới đang đứng đợi. Cậu bé đánh giày nhìn thấy Walter bèn chạy đến và vui vẻ thưa rằng: “Thưa ông, các bạn ấy đều mồ côi lưu lạc giống như cháu, các bạn ấy cũng hy vọng có được niềm vui bất ngờ ạ!”
Walter không thể ngờ rằng một đứa bé vô gia cư nghèo khó lại lương thiện đến thế. Vì vậy ông đã quyết định chọn cậu bé đánh giày làm diễn viên chính trong bộ phim mới của mình. Ông đã giải thích lý do cậu được miễn thi tuyển như sau: “Vì sự lương thiện của mình, cháu không cần phải thi sát hạch!”