Một người nhân hậu nhất định sẽ có hậu phúc, cho nên xưa nay những người già đều khuyên bảo con cháu rằng, làm người thì phải hiền lành, nhân hậu. Nhưng như thế nào mới là một người nhân hậu?
1. Không chiếm lợi ích của người khác
Bảo Thúc Nha và Quản Trọng, người nước Tề, thời Xuân Thu, là đôi bạn tốt luôn cùng nhau buôn bán. Bảo Thúc Nha có tiền thì lấy phần nhiều đưa cho bạn, vì nghĩ gia cảnh bạn nghèo túng, còn mình thì nhận phần thiệt hơn. Hai người cùng nhau buôn bán và mỗi lần chia lãi thì bên nhiều bên ít như thế.
Những thủ hạ của Bảo Thúc Nha thấy vậy thì rất khó chịu nói Quản Trọng là kẻ không ra gì. Bảo Thúc Nha nói: “Các ngươi lầm rồi, ông ấy đâu có tham lam chút tiền mà làm gì. Chẳng qua gia cảnh ông ấy quá khó khăn phải dựa vào chút tiền đó mà sống cho qua ngày nên ta tự nguyện nhường cho ông ấy phần lãi hơn. Hơn nữa, ông ấy buôn bán có đạo đức, kiếm tiền chính đáng. Trong công việc buôn bán ông ấy cũng đóng góp không ít sáng kiến hay. Bạn bè phải giúp đỡ lẫn nhau, huống hồ ta so với ông ấy giàu có hơn, bạn gặp khó khăn lẽ nào lại không giúp đỡ.” Những lời này truyền đến tai Quản Trọng, Quản Trọng vô cùng cảm động.
Người nhân hậu không chiếm lợi ích của người khác. Cho dù là ở trong hoàn cảnh nào thì họ cũng đều sống rất minh bạch, cởi mở và thoải mái.
2. Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác
|
(Hình minh họa: Qua rimedia.org) |
Khi Khổng Tử tham dự tang lễ nhà người khác, ông đứng cạnh người nhà họ mà trong lòng cũng cảm thấy đồng cảm như thể họ là người thân của mình. Bản thân Khổng Tử cũng thương tiếc thay cho họ, ngay cả ăn cơm cũng không thấy thoải mái. Một người thời thời khắc khắc có thể đồng cảm với người khác thì cũng là một người nhân hậu.
Trong cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” có ghi chép một câu chuyện, kể rằng: Cụ và ông nội của Dương Vinh thời nhà Minh từng làm nghề chèo thuyền mưu sinh.
Một năm, quê hương của họ bị nạn lụt lớn, nước tràn ngập địa phương. Cụ và ông nội của Dương Vinh mải chèo thuyền, chỉ “một lòng cứu người” mà không lấy tiền công. Có người trong vùng biết chuyện cười chê hai cha con ông là những ngời ngu dốt không biết tận dụng cơ hội kiếm tiền.
Đây là một loại nhân hậu, gặp người nguy hiểm tính mạng thì ra tay cứu giúp, không so đo tính toán thiệt hơn. Thậm chí sau khi cứu những người còn sống lên bờ, hai người họ còn vớt cả những người đã chết nổi trên sông. Đó là vì họ đã đồng cảm với nỗi bi thương và nỗi ân hận của những người còn sống nếu không tìm được thi thể của người thân.
Người nhân hậu biết cách đặt mình vào vị trí của người khác, biết suy nghĩ cho người khác. Chỉ cần việc bản thân có thể làm cho người khác, họ sẽ dốc sức mình để làm. Cho nên, từ xưa đến nay khi kết giao với những người nhân hậu thì người ta không phải đề phòng, lo lắng bất kể điều gì.
3. Nhớ ơn và báo ơn người khác
Tăng Tử viết: “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”, ý nói rằng cẩn thận đối với việc tang của cha mẹ, truy niệm tổ tiên, lâu dần tự nhiên có thể khiến cho lão bách tính trung hậu thật thà.
Một người muốn nuôi dưỡng lòng nhân hậu của bản thân mình thì phải luôn nhớ ơn những người đã từng chăm sóc, giúp đỡ mình. Không chỉ thường ghi nhớ ân nghĩa của họ trong lòng mà phải thường xuyên thăm hỏi những người đã từng dạy dỗ mình, báo ơn những người đã từng chăm sóc mình.
Cổ nhân có câu: “Hậu kỷ giả, tất bạc tha nhân”, ý nói người hậu đãi bản thân mình thì ắt sẽ bạc đãi người khác. Người chỉ biết mình thì tất sẽ khó có thể đối đãi với người khác một cách ôn nhu, nhân hậu. Bởi vậy, người có lòng nhân hậu luôn biết ơn và tìm cách báo đáp ơn người khác, dùng tấm thâm tình để đối đãi với người khác.
4. Bao dung và tha thứ cho người khác
Một người khi ở địa vị rất cao thường khó bao dung được người khác. Một khi nghe thấy lời phê bình của người khác họ sẽ lập tức đối đầu với người đó. Thậm chí, họ còn kết bè kết phái, gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới cả một đoàn thể. Bởi vậy, khi ở một địa vị càng cao, thì càng cần phải có một tâm thái cao. Mỗi một lời nói, một hành vi đều cần làm cho không khí của cả đoàn thể ấy càng tốt hơn.
Cổ nhân giảng: “Thân tại công môn hảo tu hành”, ý nói, thân ở nơi quan trường càng dễ tu hành. Người có địa vị càng cao lại càng dễ tu hành, bởi vì tầm ảnh hưởng của họ là rất lớn. Tuy nhiên xét từ một góc độ khác, nơi quan trường thường dễ tạo nghiệp. Người có thái độ không tốt, không nhân hậu, mang theo nhiều tật xấu, phong thái không đẹp dễ ảnh hưởng tiêu cực càng lớn hơn.
Cho nên, để trở thành một người nhân hậu, cần giảm nhẹ một phần trách cứ, nhiều thêm một phần khoan dung.
5. Không trách móc, gây khó dễ cho người khác
Cổ nhân giảng: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người ta, dù ít hay nhiều đều có những phần khuyết điểm. Khi một sự việc đã xảy ra rồi mà buông lời trách mắng cho hả giận thì sẽ làm tổn hại tới lòng nhân hậu của mình, đồng thời cũng khiến đối phương càng thêm khó chịu, tiêu cực.
Hàn Kỳ thời Bắc Tống cả một đời làm quan nổi tiếng nhân hậu. Khi Hàn Kỳ đóng quân ở Định Châu, có một lần ông ngồi viết thơ vào buổi tối nên đã gọi một binh sĩ cầm nến đứng bên cạnh để chiếu sáng. Binh sĩ này mải nhìn đi chỗ khác nên sơ suất làm cây nến bị nghiêng và cháy vào tóc của Hàn Kỳ, Hàn Kỳ lấy tay áo dập lửa rồi lại tiếp tục viết thơ.
Một lát sau, ông quay lại nhìn thì phát hiện ra người cầm nến bên cạnh đã được đổi thành người khác. Vì sợ viên quan chủ quản sẽ trách phạt binh sĩ kia nên ông vội vàng gọi viên chủ quản đến và bảo: “Không cần đổi người, anh ta hiện tại đã biết cách cầm nến rồi”. Từ đó về sau, quan binh trong quân đội ai nấy đều bội phục tấm lòng khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ.
Lúc Hàn Kỳ lưu lại ở phủ Đại Danh, có người tặng ông hai chiếc chén ngọc vô cùng quý giá thuộc loại cực phẩm trên đời, Hàn Kỳ liền dùng bạch kim để cảm ơn người tặng chén ngọc. Hàn Kỳ vô cùng yêu thích đôi chén ngọc, mỗi khi có tiệc đãi khách, ông đều sai người sửa soạn một chiếc bàn phủ gấm vóc rồi đặt đôi chén ngọc lên trên để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Một hôm, Hàn Kỳ mở tiệc thiết đãi các quan lại quản lý thủy vận. Khi đang chuẩn bị mang đôi chén ngọc ra để rót rượu mời khách thì đột nhiên một người đầy tớ không cẩn thận xô vào chiếc bàn khiến đôi chén ngọc rơi xuống đất vỡ tan. Khách khứa trong nhà thảy đều kinh hãi, còn người đầy tớ kia thì run rẩy phủ phục dưới đất chờ chịu phạt.
Hàn Kỳ sắc mặt không đổi, cười bảo các vị quan khách: “Bất luận là vật gì cũng đều có quy luật tồn vong”. Ông lại quay sang nói với người đầy tớ: “Ngươi là do sơ suất mà gây ra, cũng không phải cố ý, đâu phải là tội lỗi gì?” Các vị quan khách trước sự khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ đều bội phục mãi không thôi.
Đối xử nhân hậu với người khác chính là trí lực thượng đẳng. Người nhân hậu biết cách chừa lại cho người khác một đường lui. Họ không chỉ trích quá mức, cũng không gây khó dễ cho người khác, ngay cả khi người khác có lỗi với họ.
6. Làm tròn bổn phận của bản thân
Người xưa có câu: “Huynh hữu đệ cung” (anh thương em, em kính anh) hay “Phụ từ tử hiếu” (cha hiền từ, con hiếu thảo) đều là muốn nói rằng, mỗi người cần phải có trách nhiệm với người thân của mình. Không chỉ cần hiếu kính và yêu thương đối với cha mẹ của mình mà còn cần mở rộng tấm lòng tới cả cha mẹ của người khác.
Trong “Chu tử trị gia cách ngôn” có câu rằng: “Kiến cùng khổ thân lân, tu gia ôn tuất”, nghĩa là thấy người thân, hàng xóm gặp cảnh khốn cùng thì phải biết quan tâm, thương xót họ. Người phúc hậu thấy cảnh người thân, hàng xóm nghèo khổ thì đều gắng sức giúp đỡ họ. Thương cảm với khó khăn của người khác chính là có tình nghĩa.
Người nhân hậu có được bản tính lương thiện thì tự nhiên sẽ biết được bổn phận của bản thân và tận lực làm tốt những gì mình nên làm.