Đó là một khoảnh khắc dễ thương và tràn ngập tiếng cười hồn nhiên, ngây thơ của những chú bé, cô bé xa nhà, được sống yêu thương và bảo bọc trong tình đạo vị ấm áp dưới mái chùa.
Những chú tiểu sống ở chùa đều có hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai nhưng đều có chung một quan niệm là phải sống tốt, sống hữu ích và đem niềm vui đến cho mọi người. Những chú tiểu là những chiến sĩ dũng cảm nhất, họ đã từ bỏ tất cả để tìm đến con đường đạo.
|
Các chú tiểu ở chùa được thầy tổ chăm sóc chu đáo từ chuyện ăn tới chuyện học |
Trên từng bước chân của họ, mỗi bước chân là những sự cố gắng, phấn đấu và nỗ lực hoàn thiện bản thân qua từng ngày. Đường đi phía trước còn biết bao nguy hiểm, thử thách và chông gai. Thử hỏi những “chiến sĩ” đó có thể vượt qua được hay không? Hay là bỏ cuộc giữa đường vì những cám dỗ giả tạo của cuộc đời. Điều đó còn phụ thuộc vào niềm tin, sức mạnh và ý chí của trái tim ban đầu - một Bồ-đề tâm vững chãi mà họ đã từng vun đắp, ấp ủ.
Đời sống sinh hoạt của các
chú tiểu rất nề nếp và khuôn khổ. Nó không như đời sống sinh hoạt của những người bạn cùng trang lứa ở ngoài đời. Ở chùa, làm bất cứ cái gì cũng có quy tắc và giới luật bảo hộ. Tuy không sung sướng về vật chất nhưng các chú tiểu rất thanh thản và bình yên về tâm hồn. Vì vậy, trên khuôn mặt các chú luôn ẩn chứa sự hồn nhiên, trong sáng và an lạc. Cuộc sống hành điệu không đơn giản chút nào. Đôi lúc chúng ta chợt nghĩ ra rằng khó khăn, gian khổ mới giúp chúng ta thành công và trưởng thành. Thời gian hành điệu, làm chú tiểu là thời gian thực tập tu, đó là những bước chân chập chững đầu tiên vào đạo. Và đó cũng là nấc thang căn bản đầu tiên để chúng ta có thể trở thành một người tu sĩ tốt, hoàn thiện.
Hầu hết các chú tiểu ở chùa đều được để một cái chỏm nhỏ ở trên đầu trông giống như cái vá. Các chú tiểu nhỏ hơn thì được để ba cái chỏm nhỏ xinh xinh, ngộ nghĩnh. Đặc biệt, có những người lớn rồi mới đi tu thì không được để chỏm nhưng vẫn được gọi là chú tiểu. Đó là hình thức bên ngoài để chúng ta có thể nhận biết một cách rõ ràng. Những ngày đầu tiên vào chùa, các chú tiểu phải chăm chỉ học kinh, trì tụng kinh chú, niệm Phật và làm công quả. Tùy theo sức khỏe và độ tuổi mà phân chia công việc cho những chú tiểu. Những chú tiểu còn quá nhỏ thì mấy sư anh, sư chị lớn chăm sóc cẩn thận. Còn những chú tiểu lớn hơn thì phải thực hành đi vào khuôn khổ.
Hàng ngày, các chú tiểu phải làm công quả để có thêm công đức. Những công việc thường nhật như nấu cơm, hành đường, hương đăng và quét dọn. Các công việc được phân công rõ ràng trên bảng chấp tác. Và cứ như vậy, các chú tiểu luân phiên nhau thực hành một cách nghiêm túc. Ngoài thời khóa tụng kinh, niệm Phật, các chú tiểu phải học kinh, nghiên cứu Phật pháp và đặc biệt được quý thầy lớn đến dạy giáo lý và chữ Hán một cách tận tình. Bên cạnh đó, các chú tiểu vẫn được đi học văn hóa bình thường như các bạn ngoài đời.
Không có nhiều thời gian nên các chú tiểu phải biết phân chia thời khóa tu và học cho hợp lý. Buổi sáng, 3 giờ rưỡi thức chúng là tất cả ai cũng phải dậy đi công phu khuya. Tuy có giải đãi, lười biếng nhưng dưới sự điều hành của sư phụ và quản chúng, các chú tiểu đều phải răm rắp làm theo. Ai làm sai sẽ bị phạt quỳ hương. Vì đôi lúc cũng có một số chú tiểu ngủ nướng, trốn ngủ ở những nơi mà không ai có thể tìm thấy.
Thiết nghĩ, đại chúng làm như vậy chỉ là để giúp ta có thói quen tốt về thời gian và sống nề nếp. Những điều người ta không làm được mà chúng ta làm được mới là đáng trân trọng. Sau thời khóa công phu, các chú tiểu phải học bài, học kinh. Vì buổi sáng là thời gian tốt nhất để chúng ta tiếp thu một cách nhanh chóng. Ăn sáng, chấp tác xong, các chú tiểu lại đi học.
|
“Học văn hóa còn khó hơn học kinh, sợ học văn hóa chứ không sợ học kinh” |
“Học văn hóa còn khó hơn học kinh, sợ học văn hóa chứ không sợ học kinh”. Đó là lời tâm sự hài hước của các chú tiểu ngây ngô. Chúng ta cũng biết rằng, các chú tiểu chú trọng việc tu hành nhiều hơn. Thời gian dành cho việc tu cũng nhiều gấp bội lần so với việc học. Vì vậy, các chú tiểu phải cố gắng rất nhiều để không thua kém các bạn. Vừa học vừa tu tuy khó khăn nhưng chúng ta luôn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của các chú tiểu nhỏ.
Các chú tiểu sống ở chùa bị cách ly với thế giới bên ngoài, không được xem phim, nghe nhạc, đi chơi hay tiếp xúc với bất kỳ người nào. Tập trung toàn bộ thời gian cho việc tu tập. Tại vì sao? Những huyễn cảnh của thế gian có thể làm cho các chú tiểu động tâm và có thể ảnh hưởng đến việc tu tập. Các chú tiểu cứ sống như thế, cứ hồn nhiên trong sáng như thế. Mỗi khi vui thì cười, buồn thì khóc và qua ngày hôm sau là quên hết tất cả. Tâm hồn ngây thơ như một tờ giấy trắng, thật đẹp thật dễ thương. Mỗi buổi tối sau giờ chỉ tịnh, các chú tiểu đều có thời khóa niệm Phật, trì chú.
Thời khóa này giúp các chú tiểu trở về với chính mình sau một ngày lăng xăng, tâm bất định. Vừa niệm Phật vừa nhận diện hơi thở vào ra và biết rằng mình đang còn đây, đang còn sống với đại gia đình tâm linh cao quý. Và quán niệm lại xem bản thân mình đã làm gì chưa tốt để có thể làm tốt hơn vào ngày mai. Ngày qua ngày, các chú tiểu dần dần quen thuộc với cuộc sống thiền môn, ít bị sư phụ la hơn và ngày càng tiến bộ hơn trên con đường đạo.
Những ngày cuối tuần, các chú tiểu được sư phụ cho phép chơi những gì mà mình yêu thích. Ví dụ như bắn bi, trốn tìm và nhảy dây… Những ngày như vậy, ngôi chùa ấm áp luôn rộn rã tiếng cười hạnh phúc của các chú tiểu. Khung cảnh rất thân thương, rất gần gũi và rất đáng yêu.
|
Nét hồn nhiên của tiểu |
Các chú tiểu vừa được tu học, vừa được vui chơi lành mạnh. Đó là niềm vui lớn lao của biết bao nhiêu bậc cha mẹ luôn kỳ vọng. Họ chỉ mong muốn một điều là sau này những đứa con bé nhỏ của họ có thể trưởng thành, sống tốt và giúp ích được cho xã hội. Những ngày tháng nghỉ hè hay kỳ nghỉ dài hạn, các chú tiểu lại được sư phụ cho đi tham quan các khu vui chơi, giải trí để mở mang kiến thức hoặc là đi tắm biển để nâng cao sức khỏe. Đó là phần thưởng cho các chú tiểu sau một năm vất vả cố gắng tu học và phấn đấu.
Các chú tiểu càng ngày càng lớn nên sư phụ càng để ý và chăm chút nhiều hơn. Tùy theo từng tâm lý độ tuổi mà sư phụ có cách dạy bảo khác nhau. Lứa tuổi làm tiểu là lứa tuổi còn ham ngủ, ham chơi và chưa nhận thức được nhiều.
Vì vậy, sư phụ là người thầy rất quan trọng định hướng cho tất cả lối đi đúng đắn nhất. Sư phụ vừa là người thầy, vừa là người cha, người mẹ dìu dắt đại chúng bước đi những bước xa hơn, vững chãi hơn trong cuộc sống. Sư phụ có nghiêm khắc thì đại chúng mới nên người. Vì vậy, sư phụ có ảnh hưởng rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và lối sống cho các chú tiểu mới tập tành bước vào đạo.
Ngày nay, hình ảnh thân thương của các chú tiểu Việt Nam đã đi vào thơ văn, âm nhạc và hội họa. Có những bài thơ, bài hát nói về đời sống sinh hoạt của các chú tiểu rất là ngây ngô và đáng yêu.
Một tuổi thơ hồn nhiên mà bất cứ ai đã từng trải qua thì không bao giờ quên được đó là thời gian làm tiểu. Thời gian đó là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời hành đạo của người tu sĩ chúng ta. Một tuổi thơ trong sáng, bình yên, không lo toan, không vướng chút bụi trần. Ngày qua ngày, lấy kinh kệ làm niềm vui, ăn chay đạm bạc để nuôi dưỡng lòng từ bi yêu thương nhân loại. Cuộc sống thảnh thơi, an nhàn, biết đủ, luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc… thật không khác gì cảnh sống thần tiên ở cõi Ta-bà vậy.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU