Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả: Sự trả giá của những ác ngôn

Google News

“Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng thấy điều thiện nhỏ mà bỏ qua”. Mọi việc xấu ta nói, ta làm đều sẽ phải nhận quả báo về sau.

Trong kinh điển Phật giáo có một câu chuyện kể rằng, ngày xưa lâu lắm rồi, có một tu sĩ trẻ buông lời ác ý chế giễu một một vị hòa thượng cao tuổi khác, nói rằng ông nhảy qua dòng suối nhỏ trông giống như một con khỉ vậy. Chính vì khẩu nghiệp ác ý này, mà năm trăm đời sau khi nhân quả đến, vị tu sĩ trẻ tuổi cuối cùng cũng chuyển sinh thành một con khỉ.
Có một câu nói rất sâu sắc: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. ‘Bồ Tát’ trong câu này là chỉ những người có tu dưỡng, có đức hạnh. Người có tu dưỡng vì biết rõ sự đáng sợ của quả báo, nơm nớp lo sợ, e rằng mình sẽ rơi vào vũng bùn nhân quả ác tính mà luôn thận trọng từ lời nói đến việc làm. Chúng sinh thông thường vô minh, không ý thức và cũng không thận trọng đối với việc tạo nhân, cho nên mới vô tình làm điều xấu mà gặp phải quả báo, đến khi hối hận thì đã muộn quá rồi.
 
Chế giễu người khác như khỉ để rồi cuối cùng bản thân lại biến thành khỉ, điều ấy phù hợp với sự công bằng của luật nhân quả, có nhân ắt có quả, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Tại sao lại như vậy? Đó là quy luật của vũ trụ, là luật nhân quả công bằng. A tạo nhân, A phải nhận quả. Kết quả của riêng A thì chính A phải chịu, bất cứ ai cũng không thể gánh nghiệp thay thế được.
Luật nhân quả là chuẩn xác và nghiêm khắc vô tình, không thể có sai lầm hay sơ xuất. Cũng không thể vì thời gian lâu dài trôi qua mà mất đi hiệu lực, càng không thể vì thời gian di rời mà bị bỏ sót. Có một câu kinh kệ nói rằng:
“Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong; Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thường”.
Nghĩa là, giả sử trăm ngàn kiếp đều tạo nghiệp nhưng không chết; thì khi nhân duyên đến, sẽ phải tự mình nếm trải quả báo.
Lúc đức Phật còn tại thế thường hay có nhiều vị vua chúa, đại thần đến thỉnh mời Ngài cho họ được cúng dường. Đó là vì Thế Tôn từ bi, muốn cho chúng sinh nào cũng có thể gieo trồng phúc điền.
Một hôm, đức Phật nhận lời mời của long vương A Nậu Đạt, đưa 500 vị đệ tử đến long cung cho long vương được dịp cúng dường.
Thọ cúng dường xong, đức Phật đứng bên bờ ao A Nậu Đạt bảo 500 vị đệ tử mỗi người hãy kể lại chuyện kiếp xưa của mình. Lúc ấy có một vị tôn giả tên gọi là La Bi Đề đứng dậy kể rằng:
– Bạch Thế Tôn! Một trong những đời trước của con ở cõi Ta Bà này, gặp lúc đức Như Lai Câu Lưu Tôn giáo hóa ở thế gian, vì tất cả chúng sinh mà tuyên thuyết đủ các pháp vi diệu. Không lâu sau, đức Như Lai Câu Lưu Tôn nhập Niết-bàn, người con Phật nào cũng vô cùng buồn thương. Rất nhiều người cư sĩ tại gia muốn báo đáp ân sâu của Như Lai liền phát tâm xây cất một ngôi bảo tháp 7 tầng với một ngôi chùa lớn để thờ phụng thánh tượng của Như Lai và cũng để cho rất đông các vị tỳ-kheo xuất gia có nơi trú ngụ. Do đó, mỗi ngày các vị cư sĩ phát đại tâm ấy đều hội họp nhau chuyên chú vào kế hoạch xây cất công trình vĩ đại này.
Lúc ấy con sống trong một thôn làng gần đó, thấy họ nhiệt liệt thành tâm trong việc xây chùa lập tháp như thế, thì trong tâm khởi lên một niệm vô minh phiền não, đã không tán thán công đức của họ mà còn ganh tị với họ nữa. Niệm ác trong tâm đã manh nha thì miệng không ngừng nói những lời ác độc, mắng họ ngu si, hủy báng công đức của họ. Vì lẽ đó nghiệp tội đã định, khổ báo đã hình thành.
Không lâu sau con qua đời, đọa xuống địa ngục, bị ngọn lửa phiền não đốt cháy cả thân thể. Con kêu khóc, cầu cứu nhưng chẳng ai thương hại, chẳng ai giải cứu cho con. Nỗi đau đớn lúc ấy thật tưởng chừng như không sao chịu nổi! Có lẽ vì sự đau đớn quá khốc liệt như thế nên con đột nhiên sinh khởi tâm tàm quý, hối hận. Nhờ một niệm thiện tâm hối cải ấy nên các khổ báo bi thảm của địa ngục đã kết thúc mau lẹ.
Tuy bỏ được cái khổ địa ngục, nhưng con phải sinh ra làm một người thấp lùn, xấu xí, ai thấy cũng ghét bỏ, xa lánh, thậm chí còn không tiếc lời chửi rủa. Con phải mang thân xấu xí như thế qua mấy kiếp mới xả bỏ được.
Rồi trong một kiếp sau đó, may mắn gặp lúc đức Như Lai Ca Diếp ra đời, nhưng tuy con đã thoát được thân người xấu xí khó coi, lại phải sinh làm thân quạ. Trong các loài chim thì quạ là giống chim thường bị người ta ghét bỏ nhất, vì tiếng kêu của nó rất khó nghe, lại còn có rất nhiều người mê tín cho rằng chỗ nào có quạ tới thì chỗ ấy sẽ có chuyện không lành xảy ra. Vì thế, hễ thấy con là người ta phỉ nhổ, rủa mắng, bay đi tới đâu con cũng bị đối xử tàn nhẫn như thế.
Tuy vậy, nhờ lúc đang chịu khổ báo trong địa ngục con đã có căn lành phát khởi một niệm hối cải, biết được lỗi lầm của mình trong quá khứ, nên mỗi ngày con đều ngừng lại ở con đường có Như Lai đi qua, bay lượn ở giữa các lùm cây, từ xa ngóng nhìn Như Lai và chúng đệ tử rất đông của Ngài. Ngài du hành hóa độ ở chỗ nào trong vườn Ba La Nại cũng có con bay theo ở phía sau nghe Phật pháp, và còn hướng dẫn cho các loài chim khác lễ bái Như Lai nữa. Với sự tinh cần đó, con nguyện cầu Như Lai từ bi cho phép con sám hối.
“Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng thấy điều thiện nhỏ mà bỏ qua.” Người Phật tử phải luôn giữ gìn miệng lưỡi, giữ gìn tâm ý, không để rơi vào điều ác. Một lời nói thiện, một niệm tâm thiện đều có công đức không thể nghĩ bàn. Câu chuyện kiếp xưa của Tôn giả La Bi Đề thật xứng đáng là một bài học cho tất cả mọi người suy gẫm.
Theo Hạnh Lê/Khỏe & Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)