Đó chính là tinh thần đồng sự của đạo Phật, bởi con người không thể tồn tại như một cá nhân đơn lẻ, mà ngược lại con người sống cần có cộng đồng xã hội:
19h30 ngày 25/6/2014, ĐĐ.Thích Thiên Ân trụ trì chùa Quýt (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã quang lâm đạo tràng Phúc Tuệ Song Tu, thầy ban thời Pháp trân quý, không những vậy, thầy khai mở suối nguồn an lạc cho đại chúng bằng thiền ca, và ban thư pháp cho từng phật tử.
Buổi tu tập đã để lại một niềm hỷ lạc khó quên đối với các phật tử có mặt tại tầng 2, nhà hàng chay Vân Phong Quán, số 15, ngõ 12 Láng Hạ.
Buổi chia sẻ Pháp thoại từ thầy Thích Thiên Ân có chủ đề “Ta cần có nhau” đã kết nối những trái tim nhích lại gần nhau hơn, đó chính là tinh thần đồng sự của đạo Phật, bởi con người không thể tồn tại như một cá nhân đơn lẻ, mà ngược lại con người sống cần có cộng đồng xã hội:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Chính vì vậy, “trong Phật giáo, Chư tăng, ni phải lấy Giới luật của Phật làm thầy, vận dụng giáo lý lục hòa làm chuẩn mực cho nếp sống tu học” (trích lời dạy của đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN).
Quy y Tăng là nương tựa và học tập theo nếp sống hòa hợp thanh tịnh của Tăng thân, các phật tử cùng hòa thuận, đoàn kết với nhau, cùng sống chung với nhau trong tinh thần thương yêu và hiểu biết.
Chỉ có như vậy, con người mới được hạnh phúc, vì nếu tình đoàn kết vắng mặt thì việc phải sống cùng người mình không thích là một loại phiền não khổ sở.
Vậy học Phật là học cách để nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều, sao cho người tu Phật có thể mở lòng bao dung thương yêu cả những người chưa dễ thương bên cạnh những người dễ thương trong cuộc sống.
Vì sự an ổn hạnh phúc của mỗi cá nhân trong xã hội quyết định sự ổn định và văn minh phát triển của xã hội đó, bởi thế sự vi diệu của cuộc sống là mỗi người hòa nhập vào cộng đồng nhưng không hòa tan, mà họ - những người con Phật vẫn giữ được bản sắc và đôi chân vững bước trên con đường Bát chính đạo.
Bởi người tu luôn đi trên con đường ngược với dòng đời, trên đường tu, mỗi người phải va chạm với nhiều thử thách. Để vượt qua, phật tử cần sống cởi mở, cởi mở là thái độ rộng lượng, không cố chấp, không lên án, không chê bai, bên cạnh đó, sống thật với cảm xúc yêu thương chân thành là biểu hiện của sự giải thoát.
Nếu con đường bạn đi không có trở ngại thì con đường đó chẳng dẫn đến đâu. Ta trải nghiệm về cuộc sống không phải để lo lắng sẩu khổ, mà để biết trân trọng những niềm vui và hạnh phúc giản dị ở đó. Vậy nên chăng, ta hãy để nụ cười xóa tan đi màn đêm tăm tối và khởi đầu cho ngày mới tươi sáng:
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
Giữa cuộc đời nhiều biến đổi, thời gian sẽ phủ lớp bụi mờ lên tất cả, chỉ có tình người là nguyên vẹn trong tâm, vậy nên người và người sống với nhau là để thương mến đùm bọc lẫn nhau; mỗi người đều có đối tượng để ký gửi tình thương một cách đáng tin cậy, đó là bố mẹ, thầy cô, bạn bè.
Ngoài những người đó ra, phật tử học theo lòng từ của Phật cần mở lòng yêu quý cả những người luôn làm mình phiền muộn, bởi việc yêu thương những người dễ thương đáng yêu là việc quá bình thường ai làm cũng được, trong khi để yêu những người chưa dễ thương mới cần nhiều kiên nhẫn để làm nên bản lĩnh.
Những người ta gặp trong cuộc sống là tấm gương phản chiếu thái độ sống và lối cư xử của chính ta. Cuộc sống bên ngoài như là đóa hoa tươi bên ô cửa sổ, hàng ngày ta chăm sóc những người dễ thương và chưa dễ thương với tất cả tình yêu thương chân thành, họ sẽ là đóa hoa hương sắc cho ta thưởng thức, đó là chất liệu làm nên cuộc sống tuyệt vời.
Để yêu thương như vậy, mỗi người cần biết tu tập để khơi dậy tình người. Tình cảm ấy lớn lên từ sự đồng cảm, cảm thông, bao dung. Mỗi người mình gặp trong đời nay đều có thể đã từng là gia đình, bạn bè của nhau trong nhiều kiếp trước. Đã và đang là người thân của nhau trong ngôi nhà chung là Tổ quốc, tất cả mọi người dù là dễ thương hay chưa dễ thương cũng đều là một sự biểu hiện của “ thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Vậy nên mỗi người tu tập là để sửa đổi hoàn chỉnh lối sống sao cho mềm mại để hòa mình vào vòng tròn viên mãn của tình người. Ngược lại, nếu không tu sửa, những tham sân si sẽ tưới tẩm cho bồ đề gai mọc lên ngăn cách lòng người.
Chính vì thế, phương pháp tu tập không chỉ có những thời khóa công phu niệm Phật, ngồi thiền, tụng kinh, mà còn cần có sự thực hành áp dụng lời Phật dạy vào cách nói năng ứng xử trong cuộc sống. Cùng là con của Phật, người con nào biết nghe lời Phật dạy thì người con đó giống với Phật nhiều hơn. Người nào THÍCH CA hát và nói lời mềm mỏng thân ái để đem lại niềm vui cho mọi người, đó là đệ tử của PHẬT THÍCH CA; người nào thích LA MẮNG, PHÁN XÉT đem lại phiền não cho người khác, người đó là đệ tử của A TU LA.
Vậy làm sao để niệm Phật giúp con người gần Phật hơn? Niệm Phật nghĩa là nghĩ nhớ về Phật là mẫu hình có việc làm, lời nói, ý nghĩ thiện lành như thế nào, để nhìn những ai đang huân tập nên điều đó, ta biết họ đều có thể những vị Phật tương lai.
Niệm Phật như thế khiến ta biết tôn trọng mọi người, quý trọng từ một em bé mặc áo nâu biết ngồi chắp tay chăm chú học giáo lý; và biết trân trọng mọi loài đều bình đẳng như con người. Trong đạo tràng, một chú chó nhỏ từ trong túi ngó đầu ra ngoài, 2 chân trước phủ phục xuống trước mặt Đức Thế Tôn để nghe lời dạy vàng ngọc. Phúc duyên lành này có thể giúp chú kiếp sau đầu thai trở lại làm người.
Mọi người xung quanh, dù họ có hoàn hảo chưa, thì họ đều có bản chất tốt đẹp ẩn sâu trong tâm hồn; là người tu – phật tử không nên nhìn lỗi lầm sai sót của người khác, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, vậy nên người Phật tử nên nhìn vào điểm tốt của người, để tâm hồn mình trong sáng mà nhìn thấy Phật giữa đời rõ hơn:
“Nước trong thì trăng hiện
Trăng nào có đến đi
Nước nhơ thì trăng ẩn
Trăng nào có đến đi
Tâm sạch thì thấy Phật
Chẳng phải là Phật đến
Tâm bẩn thì chẳng thấy
Phật nào có đến đi
Bởi nước trong nước đục
Bởi tâm sạch tâm nhơ
Nên trăng kia ẩn hiện
Phật nào có đến đi?”
Nơi nào có Phật, nơi đó là thế giới Cực Lạc mà phật tử thường hướng về. Trong một xã hội, mỗi người biết tu như thế nào để nhìn thấy xung quanh mình, ai cũng giống như Phật cả, thì mọi người đều đang được sống ở thế giới Cực Lạc ngay tại Việt Nam.
Vậy nên sống giữa đời này, ta sống cần có nhau để nhận ra nơi ta sống chính là nơi ta mong được đến, và nhận ra tình người là lý do cho ta tồn tại và hướng thượng.
Tiếp nối tinh thần hòa hợp, đoàn kết, tương thân tương ái mà thời Pháp trao gửi, đại chúng cùng hát vang những bài thiền ca để khai mở suối nguồn an lạc trong tâm hồn, và kết nối những trái tim cùng chung nhịp đập tỉnh thức :
“- Bên trái tôi đây là bạn tôi, anh em tôi
Bên phải tôi đây là bạn tôi, anh em tôi
Trước mặt tôi đây là bạn tôi, anh em tôi
Xung quanh tôi đây là bạn tôi, anh em tôi.
- Bên trái tôi đây là người tôi yêu tôi thương
Bên phải tôi đây là người tôi yêu tôi thương
Trước mặt tôi đây là người tôi yêu tôi thương
Xung quanh tôi đây là người tôi yêu tôi thương.
- Bên trái tôi đây là người yêu tôi thương tôi
Bên phải tôi đây là người yêu tôi thương tôi
Trước mặt tôi đây là người yêu tôi thương tôi
Xung quanh tôi đây người yêu tôi thương tôi.”
Đáp lại tình đạo vị từ học trò, ĐĐ.Thích Thiên Ân đã tự tay viết tặng cho từng phật tử có mặt những chữ thư pháp với đường nét mềm mại, phóng khoáng. Nét văn hóa xin chữ không chỉ diễn ra đầu xuân, mà còn tiếp diễn trong những giờ tu tập như vậy quả là tín hiệu đáng mừng cho đời sống tinh thần của người trẻ Việt Nam, đặc biệt là của những phật tử luôn có tâm học hỏi.
Vì mỗi chữ thư pháp mang đậm tinh thần hỷ xả giải thoát viết nên theo yêu cầu của họ sẽ hướng họ sống theo tinh thần ấy, như chữ: Hòa, Hiếu, Nhẫn, Thôi kệ..