HỎI: Tôi tìm hiểu giáo lý nhà Phật, trong lục đạo có loài A-tu-la. Xin hỏi đó là loài gì? Trong tiếng Việt có từ nào để chỉ cho loài A-tu-la không?
(BÍCH NGỌC, Hiệp Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai)
|
Giải thoát hay sinh tử luân hồi do "tâm sanh". Luân hồi sanh tử vào cõi nào cũng là do "tâm sanh". Theo đó, A-tu-la là loài thần có phước báo hơn loài người nhưng kém phước báo hơn chư Thiên. |
ĐÁP:
Bạn Bích Ngọc thân mến!
Theo Từ điển Phật học Huệ Quang (tr.56), A-tu-la (Phạn ngữ Asura), Hán ngữ còn phiên âm A-tác-la, A-tô-la, A-tố-lạc; Hán ngữ dịch nghĩa là Phi thiên, Phi đồng loại, Bất đoan chính, là một loại thần (1 trong 8 bộ chúng) hiếu chiến, bị xem là ác thần và thường tranh đấu với trời Đế Thích.
Về hình dạng, theo kinh Tăng nhất A-hàm 3, thân hình của A-tu-la cao 84.000 do tuần. Ngoài ra, có thuyết cho rằng A-tu-la có 9 đầu, 1.000 mắt, 990 tay, 6 chân, miệng phun lửa, thân to gấp 4 lần núi Tu-di. Thuyết khác nói A-tu-la có 3 mặt màu xanh đen, giận dữ, lõa hình và có 6 cánh tay. A-tu-la nam có sức mạnh và rất hiếu chiến. Ngược lại, A-tu-la nữ thì rất xinh đẹp, nên A-tu-la nam với Thiên nam thường xuyên đánh nhau để tranh giành các A-tu-la nữ.
Về chủng loại, theo kinh Lăng Nghiêm, A-tu-la có 4 chủng loại: Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh. 1. A-tu-la sanh ra từ trứng (noãn sanh), thuộc về quỷ thần, nhờ phước giữ gìn Chánh pháp nên có thần thông, ăn ở trong hư không. 2. A-tu-la sanh ra từ bào thai (thai sanh), thuộc về loài người, vốn ở cõi trời nhưng do kém đức nên bị đọa. 3. A-tu-la sanh ra từ nơi ẩm ướt (thấp sanh), thuộc về súc sanh. Loại A-tu-la này sống trong biển cả. 4. A-tu-la do biến hóa sanh ra (hóa sanh), thuộc về loài trời. Đây là loài A-tu-la giữ gìn thế giới, có thế lực mạnh mẽ, không sợ sệt, có khả năng tranh đấu với trời Phạm vương, Đế Thích và Tứ thiên vương.
Về nghiệp nhân, tuy có phước báo nhưng do vẫn nặng nghiệp sân, mạn và nghi nên sinh vào loài A-tu-la. Những ai thường giận dữ, nóng nảy, ưa gây gổ, hung hãn và hiếu chiến; cống cao ngã mạn, tự cao tự đại, khinh khi coi rẻ người khác; luôn nghi ngờ xét nét mọi người, mọi việc, không có lòng tin; là nghiệp nhân tái sanh vào A-tu-la.
Như vậy, A-tu-la là loài thần có phước báo hơn loài người nhưng kém phước báo hơn chư Thiên. Tên gọi Phi thiên có nghĩa là không phải trời, chỉ có một số phước báo gần bằng chư Thiên nhưng không hoàn thiện như họ. Bất đoan chính là ngoại hình hung tợn, tâm địa bất chính, có nhiều tật xấu.
Loài A-tu-la không thọ khổ như những chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh nhưng chịu nhiều phiền não phẫn nộ tranh đấu. Ngoại trừ loài A-tu-la (noãn sanh) biết hộ trì Chánh pháp, ủng hộ người tu còn các A-tu-la khác chỉ lo mải miết đánh nhau, gây chiến tạo binh đao khói lửa triền miên nên rất thống khổ.
Trong kinh điển tiếng Việt vẫn giữ nguyên từ A-tu-la bởi từ này vốn đa nghĩa nên không dịch, chỉ phiên âm mà thôi. Có thể tạm dùng từ Thần hay Phi thiên để gọi loài này.
Chúc các bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN