Trận đại hồng thủy
Với mực nước sông Seine vào ngày 3/6 dâng cao tới 6,1m, ngang ngực bức tượng anh lính Zouave (lính bộ binh Algerie) nằm dưới gầm cầu Alma gần tháp Eiffel, Paris đang trải qua trận lũ lớn nhất trong 34 năm qua, chỉ kém trận đại hồng thủy năm 1910, khi nước sông Seine đạt tới 8,62m, nhấn cả thành phố trong biển nước.
Sông Seine, con sông vốn êm đềm, hiền hòa với dòng nước xanh trong, bỗng trở nên ngầu đục, hung dữ, chảy siết, réo ào ào qua những gầm cầu, tràn vào các đường phố thấp ven sông. Nhà thờ Đức Bà Paris cũng bị nước bao vây tứ phía. Các tàu du lịch Bateaux Mouches phải ngừng hoạt động. Tuyến tàu điện ngầm RER C chạy dọc sông bị cắt.
|
Người dân Paris xoay sở với nước lũ. (Ảnh: Reuters) |
Một số bến như Invalides, Alma Marceau, Chatelet phải tạm đóng cửa. Các bảo tàng nổi tiếng như Louvre, Orsay phải gấp rút di dời các hiện vật dưới tầng trệt tới chỗ an toàn. Thư viện quốc gia Pháp cùng với hai cung triển lãm Grand Palais và Palais de la Découverte cũng phải đóng cửa. Giao thông trong nội đô vốn khó khăn càng thêm khó khăn với cảnh ùn tắc do nước ngập.
Không riêng Paris, nhiều thành phố và vùng miền của nước Pháp cũng bị lũ lụt đe dọa. Thị trấn Nemours, cách Paris khoảng 80 km về phía Nam là khu vực bị lũ lụt nặng nhất. Cả vùng Normandie chìm trong nước với mức báo động đỏ. Theo thống kê, đã có 4 người chết và 24 người bị thương do lũ lụt. Lũ lụt cũng gây thiệt hại hàng tỷ euro. Chỉ riêng ở tỉnh Seine-et-Marne đã có hơn 1.000 công ty vừa và nhỏ bị thiệt hại.
Theo dự kiến, trong tuần này, chính phủ Pháp sẽ họp ra tuyên bố tình trạng thiên tai tại những vùng bị lũ lụt. Hiệp Hội Bảo Hiểm Pháp thẩm định là lũ lụt có thể khiến các hãng bảo hiểm tốn ít nhất 600 triệu euro tiền đền bù.
Hiện giờ 14 tỉnh của nước Pháp vẫn được đặt trong tình trạng báo động màu cam. Mực nước các sông tuy có hạ, nhưng vẫn còn ở mức rất cao và có thể lại dâng lên khi bầu trời vẫn u ám, nhiều mây báo hiệu khả năng tiếp tục mưa lớn.
Làn sóng biểu tình
Có lẽ ở Pháp, hiếm có cuộc biểu tình nào lại dai dẳng và quyết liệt như các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Lao động mới. Bắt đầu từ nửa cuối tháng 2/2016, thu hút hàng chục ngàn người, thuộc nhiều tổ chức và công đoàn, đặc biệt là lực lượng thanh niên, sinh viên, những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất của nạn thất nghiệp, các cuộc biểu tình ở Paris và các thành phố lớn kéo dài tới tận bây giờ, mặc dù Chính phủ đã tổ chức các cuộc đối thoại, tước bỏ và điều chỉnh một số điều bị phản đối nhiều nhất về giờ lao động, chế độ đền bù khi bị sa thải, quyền thuê và sa thải nhân công của giới chủ...
Sau khi Chính phủ Pháp quyết định bỏ qua sự biểu quyết của Quốc hội, áp dụng điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua Dự luật Lao động vào ngày 11/5 vừa qua, phong trào phản đối tiếp tục dâng cao với các cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc ngày 17/5 và 19/5 và dự kiến sẽ có các cuộc xuống đường lớn vào tháng 6 này, đúng vào dịp cúp bóng đá Euro đang diễn ra.
|
Cảnh sát Pháp đụng độ với người biểu tình. (Ảnh: AP) |
Kèm với biểu tình là các cuộc bãi công, điển hình là cuộc bãi công từ ngày 1/6 của công nhân ngành đường sắt - SNCF khiến hàng chục chuyến tàu từ Paris tới các miền trên đất Pháp bị hủy. Cùng với cuộc bãi công của ngành đường sắt, nhân viên của hệ thống tàu điện ngầm, các nhà máy điện hạt nhân... cũng đang lên kế hoạch bãi công. Công đoàn của các phi công thuộc Hãng hàng không Air France thậm chí thông báo tiến hành cuộc bãi công trong ngày 11/6...
EURO 2016, kéo dài từ 10/6 đến 10/7, được coi là giải đấu lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của 24 đội (thay vì 16 đội như trước đây) với 51 trận đấu đỉnh cao ở Paris và các thành phố lớn của Pháp, thu hút hàng triệu cổ động viên đến từ các nước.
EURO 2016 sẽ ra sao với tình hình mưa lũ kéo dài và rộng khắp, với các cuộc biểu tình và bãi công triền miên khiến trật tự công cộng xáo động, giao thông đình trệ. Và bóng ma khủng bố vẫn luôn ám ảnh?
Có lẽ tinh thần EURO, sức nóng của "mùa hè nước Pháp", niềm say mê môn thể thao Vua và tài tổ chức của người Pháp sẽ là sức mạnh đẩy lùi những trở ngại đó