Ngày mà SEAL 6 mất đi thành viên đầu tiên kể từ sau sự kiện ngày 9.11, cũng là ngày mà Slabinski trở thành một huyền thoại trong đơn vị.
Chiến dịch “Mục tiêu Wolverine”
Slabinski là thế hệ thành viên thứ hai của SEAL, gia nhập đội SEAL 6 năm 1993, là một tay bắn tỉa cừ khôi và một thành viên trinh thám xuất sắc. Sau cái chết của Roberts, Slabinski rất muốn trả thù. Trong bản ghi âm cuộc phỏng vấn vốn được giữ bí mật với Malcolm MacPherson, tác giả của cuốn sách về Roberts Ridge xuất bản năm 2005, Slabinski mô tả rất chi tiết một chiến dịch của SEAL 6 khoảng 1 tuần sau chiến dịch Mục tiêu Kim ngưu.
Trong chiến dịch có tên Mục tiêu Wolverine đó, Slabinski và đồng đội được cử lên những chiếc trực thăng Chinook, theo dấu một đoàn xe được cho là chở các chiến binh al Qaeda chạy trốn sang Pakistan. Một chiếc máy bay không người lái phía trên đoàn xe gồm 3 chiếc đã cho thấy hình ảnh những người được trang bị rất nhiều vũ khí.
Sau khi những chiếc súng máy của Chinook nã đạn về phía đoàn xe, Slabinski và đội bắn tỉa nhảy xuống đất và di chuyển lên một đỉnh đồi cách một trong những chiếc xe tải nhỏ vài trăm mét, ngắm về phía các chiến binh.
Trong cuộc đấu súng ngắn hôm đó, SEAL 6 giết chết gần 20 chiến binh nước ngoài của al Qaeda, trong đó một số tên sử dụng vũ khí của quân đội Mỹ lấy được từ trận Takur Ghar trước đó. Slabinski nói với MacPherson rằng Wolverine là một “sự đáp trả tuyệt vời”. “Đó là một ngày thực sự phi thường. Chúng tôi chỉ giết vài cậu chàng thôi mà”.
Sau khi mô tả một chiến binh trông khá giống Osama bin Laden, Slabinski tiếp tục: “Tới ngày hôm nay, chúng tôi chưa từng có điều gì tuyệt đến thế. Ôi lạy Chúa, chúng tôi cần điều đó… Chẳng có gì hay hơn một nhóm người ra ngoài và làm công việc này”. “Ý tôi là, nói về chuyện hài hước mà chúng tôi đã làm.
Sau khi tôi bắn vào đầu kẻ có ngoại hình giống Bin Laden, có một tên thò chân, chỉ chân thôi vào rãnh nhỏ (vết bánh xe) hoặc là gì đó ở đây. Ý tôi là, anh ta đã chết rồi, nhưng mọi người đều hoảng sợ. Tôi bắn vào chân anh ta đến 20 phát, và cứ mỗi lần bạn đá hắn, à, bắn hắn, hắn lại nảy lên, có thể nhìn thấy cơ thể anh ta co giật, giống như một trò chơi vậy, và thấy rần rật trong huyết quản. Một liệu pháp tinh thần rất tốt với tất cả mọi người ở đó”.
Sau chiến dịch đó, Slabinski trở về căn cứ của SEAL 6 ở Dam Neck, được tặng thưởng huân chương Thập tự của Hải quân, một thành tích danh giá thứ hai trên chiến trường đối với một anh hùng. Vài năm sau, các chỉ huy hạn chế việc cho Slabinski ra chiến trường và chuyển anh ta sang đội Xanh Lá để hướng dẫn huấn luyện với hy vọng vết thương tâm lý do cái chết của Roberts Ridge gây ra cho Slabinski có thể được chữa lành.
Nhiệm vụ mới
Đến cuối năm 2007, Slabinski lại được điều động đến Afganistan với vai trò hạ sĩ quan trong Biệt đội Xanh Biển. Thời gian đầu, nhiệm vụ của SEAL là săn lùng các thủ lĩnh của al Qaeda, nhưng giờ đây tướng Stanley McChrystal – chỉ huy Lực lượng Tác chiến Đặc biệt - mở rộng nhiệm vụ sang cả Taliban. SEAL 6 theo dõi các nhà tài trợ cấp thấp của Taliban và những nhà chức trách trong bóng tối.
Biệt đội Xanh Biển khi đó do Đại tá Peter Vasely, một người tốt nghiệp Học viện Hải quân chỉ huy và trước đó không vượt qua được kỳ huấn luyện tấn công cao cấp của Đội Xanh Lá. Vasely là một kẻ ngoài cuộc, dù đã ở trong lực lượng suốt nhiều năm, phải vật lộn để có được sự tôn trọng của các thành viên trong đội. Slabinski – một người có kinh nghiệm, có kỹ năng và khi đó được biết đến như một huyền thoại trong đội – đã nới rộng khoảng cách này.
Slabkinski và một số thành viên trong đội đã chịu ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết về chiến tranh có tên “Vệ sĩ của Ác quỷ” được xuất bản năm 1971 của tác giả George Robert Elford, ca ngợi các hành động của quân đội Đức quốc xã như thảm sát trên diện rộng, các hình thức bạo lực bừa bãi như một cách tiến hành chiến tranh tâm lý.
“Những tên ngốc nghịch ngợm đọc cuốn sách và hoàn toàn tin vào những điều được viết trong đó.” Slabinski và Biệt đội Xanh Biển được điều động đến Afganistan trong tâm trạng tức giận, và cuốn sách cho họ câu trả lời mà họ muốn: Phải khủng bố lại chính bọn khủng bố Taliban, và đó là cách khiến chúng đầu hàng.
Thế nhưng, một ví dụ về sự sai lệch trong Biệt đội Xanh Lá là sự việc diễn ra vào ngày 17.12.2007, trong một chiến dịch đột kích tại tỉnh Helmand. Slabinski nói với những thành viên trong đội rằng muốn “có một cái đầu trên đĩa”. Dù những thành viên kỳ cựu trong đội SEAL đều hiểu Slabinski chỉ nói theo nghĩa bóng, thế nhưng có một thành viên trong đội lại coi lời của Slabinski là một mệnh lệnh.
Tối muộn hôm đó, sau khi Biệt đội Xanh biển thực hiện thành công một cuộc đột kích, giết chết 4 phiến quân có vũ trang, tịch thu các loại vũ khí và lựu đạn, Vasely và Slabinski đi bộ vòng quanh khu trại liên hợp.
Vasely đeo kính nhìn đêm, nhìn qua một ô cửa sổ và thấy một trong những thành viên trong đội của mình đang quay lưng lại, ngồi xổm trên một xác chết, di chuyển tay qua lại ở phần cổ thi thể giống như đang cưa. Vasely lập tức nghĩ rằng thành viên đó đang chặt đầu xác chết, nói với Slabinski đi vào trong để xem binh sĩ này đang làm gì. Ngay khi Slabinski bước vào trong căn phòng, xác chết gần như đã bị viên binh sĩ trẻ cắt lìa đầu khỏi cổ.
Cuộc điều tra...vô vọng
Trở về căn cứ ở Kandahar, Vasely báo cáo lại vụ việc cho tướng Moore và nói muốn tiến hành một cuộc điều tra. Moore – ngồi trong văn phòng của SEAL bờ biển Virginia, ép Vasely xem anh ta đã thực sự nhìn thấy điều gì, và liệu có thể có cách giải quyết khác hay không?
Moore sau đó nói với trợ tá của mình là Szymanski – người từng có thời gian dài hoạt động tại Afganistan - sắp xếp mọi thứ. 10 ngày sau đó, cuộc điều tra trong nội bộ Lực lượng tác chiến đặc biệt khép lại. Khi các nhà điều tra tiếp cận viên binh sĩ bị cáo buộc là đã cắt đầu xác chết của kẻ thù, thành viên này đã sử dụng quyền giữ im lặng và quyền được bào chữa.
Vài ngày sau những nỗ lực phỏng vấn, các nhà điều tra thu được một số bức ảnh được cho là xác chết của chiến binh có liên quan trong vụ việc nhưng chẳng thể nhìn rõ một vết cắt nào. 3 tuần sau vụ việc, người ta khép lại cuộc điều tra với kết luận rằng không có bằng chứng xác thực về việc các thành viên vi phạm tội ác chiến tranh. Nhưng theo lời một số cựu thành viên của SEAL 6, đây thực sự là điều đã xảy ra.
Mặc dù Biệt đội Xanh Biển tránh được việc bị kết tội, song những hành vi trên chiến trường vẫn liên tục gióng lên những hồi chuông cảnh báo trong nội bộ lực lượng. Một số chỉ huy của SEAL 6 cảm thấy khá sốc khi Vasely và Szymanski lại dễ dàng khuất phục trước áp lực của Moore. Trong vòng 2 tuần sau, Moore được điều động tới Afganistan. Trong thời gian ở đó, anh ta lại đối mặt với Biệt đội Xanh lá và chính thành viên từng cố gắng để cắt đầu kẻ thù.
Khi truyền thông gửi đề nghị Szymanski và Moore trả lời phỏng vấn về những vấn đề xung quanh vụ việc, cả hai đều từ chối. Người phát ngôn của Lực lược Tác chiến Đặc biệt của Hải quân Mỹ, đơn vị quản lý cả SEAL 6, chỉ có một phản hồi bằng văn bản rằng: “Chúng tôi không muốn và không hỗ trợ những cuộc thảo luận công khai đối với những thông tin mật này bởi có thể khiến các thành viên thuộc lực lượng của chúng tôi, gia đình họ cũng như các chiến dịch trong tương lai của chúng tôi gặp nguy hiểm”.
Năm 2010, khi Slabinski được xem xét thăng chức, SEAL 6 đã tổ chức 2 buổi điều trần nội bộ để đưa ra quyết định. Gần như ngay lập tức, mũi dùi hướng vào vụ việc cắt đầu chiến binh hồi tháng 12.2007. Slabinski giải thích với các đồng đội và cấp trên rằng nhận xét của ông về việc muốn “có một cái đầu” là chỉ mang tính trừu tượng chứ không phải về mặt ngữ nghĩa.
Thế nhưng, câu hỏi không phải là liệu hành động cất đầu diễn ra xong hay chưa, mà câu hỏi là “vì sao”? Vấn đề là Slabinski đã nói ra ý muốn đó và thuộc cấp của anh ta đã thực hiện việc đó vì cho rằng đó là mệnh lệnh của cấp trên. 10 sĩ quan và chỉ huy cao cấp đã bỏ phiếu không tán thành việc Slabinski quay trở lại SEAL 6.
Cùng lúc, một cuộc điều trần thứ 2 được triệu tập theo lệnh của Pete Van Hooser. Một bằng chứng khác được đưa ra là Slabinski đã hạ lệnh cho các thành viên bắn tất cả những chiến binh mà họ chạm mặt trong một cuộc đột kích, dù có vũ trang hay không. Đó là lý do Afganistan thường xuyên cáo buộc binh sĩ Mỹ giết hại dân thường, nhưng mọi cuộc điều tra sau đó đều cho kết luận rằng những người bị giết là chiến binh có vũ trang hoặc được xác định là mối đe dọa...