Trước giờ G bầu cử tổng thống Pháp 2022: Thông tin cần biết

Google News

Ngày 10/4 sẽ diễn ra vòng đầu tiên cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022, với 12 ứng cử viên, trong đó có đương kim Tổng thống Emmanuel Macron.

Truoc gio G bau cu tong thong Phap 2022: Thong tin can biet
Tổng thống đương nhiệm Macron và bà Marine Le Pen thuộc đảng chính trị cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp có cơ hội cao nhất để lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022. (Nguồn: AFP) 
Theo Hiến pháp Pháp 1958 (có sửa đổi), quốc gia châu Âu này là nước cộng hòa theo chế độ tổng thống-nghị viện.
Tổng thống là người bảo đảm cho nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và tuân thủ các điều ước quốc tế, đảm bảo sự hoạt động bình thường của các cơ quan công quyền theo hiến pháp.
Quyền hạn Tổng thống Pháp và thủ tục bầu cử
Tổng thống Pháp giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống quyền hành pháp, được quyền bổ nhiệm và cách chức Thủ tướng, các thành viên chính phủ.
Tổng thống Pháp cũng đóng vai trò là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, được quyền bổ nhiệm các quan chức dân sự và quân sự cấp cao, đệ trình các dự luật để trưng cầu dân ý, có quyền giải tán Nghị viện, có thể thực hiện bất kỳ biện pháp khẩn cấp nào "do hoàn cảnh quy định" và có quyền ân xá.
Nhiệm kỳ Tổng thống Pháp là 5 năm và không được giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Để trở thành ứng cử viên tổng thống, công dân Pháp trên 23 tuổi cần phải tập hợp được 500 chữ ký ủng hộ của các đại biểu dân cử (gồm các nghị sĩ châu Âu, nhà nước, cấp vùng hoặc cấp tỉnh, cũng như thị trưởng...).
Ứng viên cũng phải nộp một khoản đặt cọc bằng tiền mặt (khoảng 1.500 Euro; được trả lại trong trường hợp nhận được ít nhất 5% phiếu bầu), đồng thời nộp bản kê khai tình trạng tài sản.
Tổng thống Pháp được người dân bầu chọn trực tiếp. Tất cả công dân Pháp từ 18 tuổi trở lên đã đăng ký trong danh sách bầu cử được phép tham gia bỏ phiếu.
Hiện tại, có đến 48 triệu trong tổng số 67,4 triệu dân Pháp được quyền tham gia bầu cử Tổng thống.
Trong vòng đầu tiên, ứng cử viên thắng cử phải đạt được đa số phiếu tuyệt đối, tuy nhiên, trong lịch sử bầu cử trực tiếp nguyên thủ quốc gia Pháp kể từ năm 1965, không ứng cử viên nào đạt được kết quả như vậy.
Chính vì vậy, hai ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ được vào vòng hai.
Xếp hạng ứng viên cuộc bầu cử 2022
Trong cuộc bầu cử năm nay, có 12 ứng cử viên đủ điều kiện và đã đăng ký tham gia tranh cử.
Theo một cuộc thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu y kiến công chúng Pháp (IFOP), được công bố vào ngày 7/4, Tổng thống đương nhiệm Macron - giành được 26,5% sự ủng hộ - và bà Marine Le Pen (24%) thuộc đảng chính trị cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp có cơ hội cao nhất để lọt vào vòng 2.
Tiếp theo là lãnh đạo đảng cánh tả đảng Nước Pháp bất khuất Jean-Luc Melenchon với 17,5% ủng hộ, ứng viên đảng Cộng hòa Valerie Pecresse (9%) và ứng viên đảng cực hữu Reconquest Eric Zemmour (8,5%).
Cùng tranh cử còn có đại diện đảng Xanh Yannick Jadot (4,5%), ứng viên đảng Cộng sản Fabien Roussel (2,5%), ứng viên đảng Phản kháng Jean Lassalle (2,5%).
Ngoài ra, còn đại diện một số đảng chính trị khác, với số phiếu ủng hộ trong cuộc thăm dò dư luận từ 0,5-2%.
Chênh lệch trong thăm dò ủng hộ giữa hai ứng viên tiềm năng Macron và Marine Le Pen không cao và sẽ còn thay đổi cho đến ngày bầu cử. Do đó, không loại trừ khả năng bà Marine Le Pen vượt lên dẫn điểm.
Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu trong vòng đầu tiên, vòng bầu cử thứ 2 sẽ diễn ra vào ngày 24/4.
Trải qua 2 năm đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tại Ukraine, sự quan tâm của các cử tri Pháp đã có nhiều chuyển biến, lo ngại nhiều hơn về những gì đang diễn ra, cũng như các ưu tiên ngắn hạn, thay vì dồn sự quan tâm cho các vấn đề có tính vĩ mô và dài hạn như chống biến đổi khí hậu.
Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến xu hướng bỏ phiếu và vì vậy, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang ngày càng trở nên khó đoán.
Theo Việt Hà/Báo Thế giới và Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)