|
Các tòa nhà do tập đoàn bất động sản Evergrande xây dựng tại Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc có thể sẽ nghiêm trọng hơn trong năm 2022, khi các công ty đối mặt với các khoản thanh toán nợ trong Năm Mới, cao gấp đôi so với những tháng cuối năm 2021, có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mặc dù những lo ngại về tập đoàn bất động sản China Evergrande đã giảm bớt trong những tuần gần đây nhờ việc tái cơ cấu, tập đoàn này đã bỏ lỡ đợt thanh toán 255 triệu USD trong tuần qua và các vấn đề nợ đã khiến tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc vỡ nợ đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều công ty khác.
Theo các nhà phân tích của Nomura, tổng cộng, các công ty bất động sản Trung Quốc có số nợ nước ngoài là 19,8 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2022.
Con số này gấp gần hai lần mức nợ 10,2 tỷ USD trong quý 4/2021, gánh nặng đã khiến Evergrande vỡ nợ và đe dọa vỡ nợ với một số công ty khác như Kaisa. Số nợ trong quý 2/2022 cũng không giảm nhiều, ở mức 18,5 tỷ USD.
Gánh nặng thanh toán nợ có thể khiến cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản thêm tồi tệ, sau 30 năm bùng nổ nhờ mô hình kinh doanh dự vào tín dụng lãi suất thấp và nhu cầu nhà ở của người dân lớn.
Giá nhà tại Trung Quốc giảm 0,3% trong tháng 1/20211, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, trong khi doanh số bán giảm 16,31% và số nhà được khởi công xây mới tính theo diện tích sàn giảm 21,03%.
Đáng chú ý là dân số Trung Quốc đang giảm, do đó nhu cầu nhà ở mới của các cặp vợ chồng trẻ giảm 31% trong sáu năm 2013-2019.
Ông Michael Pettis, Giáo sư về tài chính tại Đại học Peking University, cho rằng cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản có thể trở thành một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Tất cả đều đánh cược vào việc bất động sản tăng giá, đặc biệt là các công ty bất động sản vốn đã đi vay hoàn toàn, trả giá quá cao trong các cuộc đấu giá đất.
Nợ nước ngoài không phải là vấn đề duy nhất. Các công ty bất động sản đã vay hàng tỷ nhân dân tệ ở trong nước. Nomura cho biết các công ty này phải huy động được 1.100 tỷ nhân dân tệ (172 tỷ USD) để thanh toán tiền lương còn nợ công nhân xây dựng trước Tết nguyên đán năm nay.
Dù các quan chức Evergrande cam kết sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thiện nhà mà khách hàng đã mua, Chính phủ Trung Quốc đã tham gia tái cơ cấu Evergrande và ưu tiên số một là duy trì ổn định xã hội.
Tuy nhiên, bản chất của vấn đề có thể khiến Chính phủ Trung Quốc không ngăn chặn tác động đến các công ty bất động sản khác. Một báo cáo tháng 10 của Standard&Poor’s cho rằng 1/3 số công ty bất động sản đã niêm yết của nước này có thể gặp vấn đề về thanh khoản trong 12 tháng tới./.