Với các học sinh tiểu học, các bạn nhỏ đang ở độ tuổi ham chơi, chưa có độ tập trung cao trong việc học tập. Do vậy, ngoài thời gian học trên lớp, các bạn sẽ rất lười biếng chuyện làm bài tập ở nhà. Mới đây, một cậu bé tiểu học ở Thái Lan cũng rơi vào tình trạng tương tự. Để trị bệnh lười biếng học tập của con trai, người mẹ đã nảy ra sáng kiến khiến cậu bé phải thay đổi suy nghĩ.
Theo đó, chị Nuttanitcha Chotsirimeteekul có cậu con trai 5 tuổi, bỗng một ngày cậu bé này nhất quyết không chịu đi học, dù người mẹ đã làm mọi cách.
Trước sự bướng bỉnh của con trai, chị Nuttanitcha và chồng đã lên kế hoạch để con trai họ phải thay đổi. Theo đó, cặp vợ chồng này không bắt con trai đi học nữa mà thay vào đó, họ dắt con trai đi khắp thành phố để... cậu bé nhặt ve chai bán lấy tiền.
Sau một ngày dài nhặt rác, cậu bé đã thu lượm được khoản 2kg ve chai và bán được 2 baht Thái (tương đương 1.500 đồng).
Nhặt rác xong, con trai Nuttanitcha hỏi cô rằng liệu cả nhà có thể đi xe buýt về không. Lúc này, chị Nuttanitcha hỏi ngược lại rằng liệu con có đủ tiền không, bởi giá vé xe buýt là 10 baht (hơn 7.000 đồng).
Vì không đủ tiền nên cậu bé 5 tuổi phải chấp nhận việc đi bộ về nhà. Thế nhưng, đi được một đoạn, cậu bé tiếp tục hỏi ý kiến mẹ về việc mua một cây kem. Chị Nuttanitcha lại không trả lời mà tiếp tục hỏi con có đủ tiền không, bởi giá một chiếc kem là 5 baht. "Thôi, con không muốn mua nữa đâu ạ", cậu bé đáp.
Dường như đã quá chán nản và mệt mỏi, cậu bé 5 tuổi lúc này ấm ức đòi trở về nhà và quyết định sẽ chọn việc đi học thay vì đi kiếm tiền vất vả như những gì vừa trải nghiệm.
Trong đoạn video mà chị Nuttanitcha chia sẻ, chị hỏi con trai: "Vậy con muốn đi làm hay đi học?". Cậu bé 5 tuổi không do dự đáp: "Con muốn đi học".
Phương pháp dạy con hiểu về giá trị đồng tiền, sức lao động cũng như tầm quan trọng của việc học của vợ chồng chị Nuttanitcha nhận được rất nhiều sự ủng hộ, khen ngợi của mọi người. Không cần phải la mắng nặng lời, không cần phải đánh đập hay tức tối quá đà, bố mẹ vẫn có những phương pháp dạy con vừa nhẹ nhàng, vừa hiệu quả, giúp con tiến bộ và nhận thức nhanh chóng.
Trước đó, ở Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc cũng từng xuất hiện một câu chuyện tương tự. Theo đó, khi thấy đứa cháu trai ở bậc tiểu học không chịu làm bài tập, người bà đã đồng ý cho cháu trai được làm theo ý muốn. Tuy nhiên, thay vào đó, cậu bé này phải trải nghiệm công việc di chuyển gạch để cảm nhận được sẽ vất vả như thế nào.
Bà nội tìm thấy bốn viên gạch trắng có kích thước và hình dạng giống nhau, bà bảo cháu trai mang lên lầu trên rồi lại đi xuống lầu dưới.
|
Sau khi vác gạch không lâu, cậu bé đành bật khóc, xin bà nội được quay trở lại bàn học |
Hai tay cậu bé vác bốn viên gạch, sau đó, bước từng bước mang lên lầu trên rồi xuống lầu dưới như yêu cầu của bà nội. Tuy nhiên, sau đó không lâu, cậu bé đã không chịu nổi sức nặng của 4 viên gạch nữa nên đành bật khóc, xin bà nội được ngồi vào bài học để hoàn thành bài tập.
Cách giáo dục cháu trai của người bà quả thực "cao tay", không chỉ trị được bệnh lười của cháu trai mà còn giúp cậu bé nhận biết được, việc học thực sự vẫn sung sướng, đỡ vất vả hơn rất nhiều những công việc tay chân. Nhờ đó giúp cháu trai cố gắng hơn nữa trong việc học hành.