Theo giới chuyên gia, cho dù nhà lãnh đạo Triều Tiên vừa có một hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore nhưng các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên có nhiều trở ngại nếu muốn theo đuổi công cuộc Đổi mới giống Việt Nam.
So sánh Triều Tiên với Việt Nam, tác giả Shuli Ren viết trên tờ Bloomberg rằng ông thấy nhiều khả năng Triều Tiên cuối cùng cũng sẽ mở cửa. Theo ông Ren, Triều Tiên ngày nay khác Việt Nam năm 1986 khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới, đồng thời cho rằng Triều Tiên có thể có xuất phát điểm tốt hơn vì nước này hiện giàu hơn và công nghiệp hóa nhiều hơn.
|
Ông Kim Jong-un thăm một nhà máy của Triều Tiên. Ảnh: KCNA |
Năm 2016, Triều Tiên có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trị giá 31 tỷ USD, so với 26 tỷ USD của Việt Nam vào năm 1986.
Nông nghiệp chiếm gần 40% nền kinh tế Việt Nam năm 1986, còn ở Triều Tiên hiện nay, con số này là khoảng 20%. Đối với các ngành công nghiệp, theo ngân hàng Morgan Stanley, tỷ lệ ngành dịch vụ trong nền kinh tế Việt Nam và Triều Tiên giống nhau.
Kể từ khi cải cách, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình năm là 7%, so với 4% trong thập kỷ trước đó, trở thành một trung tâm sản xuất với nền kinh tế có quy mô gấp 6 lần Triều Tiên. Năm 2017, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP là 6,8% - tốc độ nhanh nhất trong 10 năm qua nhờ đầu tư nước ngoài tăng mạnh, trong đó có tập đoàn Samsung của Hàn Quốc.
|
Kim Jong-un thăm nhà máy Chonji. Ảnh: KCNA. |
Trái lại, theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, nền kinh tế Triều Tiên tăng trưởng trung bình chưa đầy 1%/năm trong 10 năm qua.
Nhờ chi phí lao động chỉ bằng một phần nhỏ so với ở Hàn Quốc, Triều Tiên có thể hi vọng thu hút đầu tư từ Hàn Quốc.
Ngân hàng Morgan Stanley chỉ ra rằng đầu tư chiếm khoảng 1/4 GDP Việt Nam nhưng gần như là con số 0 ở Triều Tiên. Nếu tăng nguồn đầu tư lên tương đương 20% GDP thì kinh tế Triều Tiên có thể mở rộng khoảng 5%.
Tuy nhiên, theo tác giả Anthony Fensom viết trên tờ Diplomat, Việt Nam có chất lượng lao động tốt hơn. 70% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi lao động, so với con số 44% ở Triều Tiên. Dân số ở độ tuổi lao động của Triều Tiên sẽ đạt đỉnh năm 2020, còn ở Việt Nam là 2040.
Thêm nhiều động thái hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên có thể sẽ hỗ trợ làm giảm “trừ hao chỉ số Kospi” được áp dụng với chứng khoán Hàn Quốc một phần do lo ngại về mối đe dọa từ Triều Tiên.
Nếu có nhiều tiến triển, “cổ tức hòa bình” sẽ có lợi cho ngành xây dựng, máy móc và thép ở Hàn Quốc. Còn khi tiến tới tái thống nhất, viễn cảnh thiếu hụt lao động của Hàn Quốc sẽ được cải thiện, chi phí cho quốc phòng cũng giảm.
|
Tại nhà máy Hosiery ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA. |
Song không phải nhà phân tích nào cũng nhìn tình hình theo lăng kính màu hồng như trên.
Theo nhà kinh tế Gareth Leather và Krystal Tan thuộc công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics ở London, cho dù kinh tế Triều Tiên có nhiều tiềm năng nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa lý và chi phí lao động giá rẻ nhưng hi vọng của ông Kim Jong-un về một Triều Tiên phấn đấu đạt thành tựu kinh tế như Việt Nam là mờ mịt.
Theo hai nhà kinh tế trên, Triều Tiên có các nguồn tài nguyên thiên nhiên phần lớn chưa được khai thác như đồng, sắt, kẽm và đất hiếm. Nước này cũng là láng giềng của nhiều nền kinh tế lớn của thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản. Một viện nghiên cứu kinh tế ở Hàn Quốc ước tính nguồn khoáng sản chưa khai thác ở Triều Tiên trị giá tới 10.000 tỷ USD, gấp 20 lần Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng nếu có mở cửa thì quá trình này nhiều khả năng sẽ chậm và dần dần. Việc Triều Tiên được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ chỉ diễn ra theo tốc độ giải giáp kho vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích cho rằng khi Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa, khả năng nước này mở cửa cho đầu tư nước ngoài cũng không chắc chắn. Nhiều ví dụ, như Hàn Quốc và Đài Loan, cho thấy mở cửa kinh tế cho đầu tư nước ngoài có thể dẫn tới các phong trào chính trị, xã hội mà Triều Tiên không mong muốn.
Công ty Capital Economics cũng cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ “rất thận trọng” với khả năng mở cửa của Triều Tiên.
|
Khu công nghiệp chung Kaesong bị đóng cửa. Ảnh: AP |
Trước đây, một số công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào khu du lịch núi Kim Cương và khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong, nhưng do căng thẳng chính trị giữa hai miền Triều Tiên, tài sản của các công ty này đều đang bị đóng băng.
Dự án liên danh xây dựng một khu mỏ của công ty khai mỏ Trung Quốc Xiyang cũng bị chấm dứt chưa đầy 1 năm sau khi khởi động sản xuất.
Dù vậy, với những diễn biến khả quan trên Bán đảo Triều Tiên thời gian qua, cũng có khả năng sự hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có thể khiến đầu tư trong tương lai bùng nổ. Một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế Triều Tiên không phải là điều quá xa vời.