Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (SCMP) dẫn lời nghị sĩ Park Byeong-seug đến từ Đảng Dân chủ Hàn Quốc (DPK) nhận định, Washington và Bình Nhưỡng đều mong muốn một cuộc họp thượng đỉnh thành công để đáp ứng những mục tiêu về chính trị và lợi ích của họ.
“Chính quyền Tổng thống Trump cần đàm phán với Triều Tiên để đạt được hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới (ở Mỹ). Trong khi đó, Triều Tiên phải tận dụng cơ hội này để gia nhập cộng đồng quốc tế và tập trung vào phát triển kinh tế. Nếu bỏ lỡ, cơ hội Bình Nhưỡng nhận được sự hỗ trợ để phát triển kinh tế sẽ trở nên khó khăn hơn", nghị sĩ Park bình luận.
|
Quyết định hủy thượng đỉnh của Tổng thống Trump đều không có lợi cho cả Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: Express. |
Tuy nhiên, Mỹ, Triều Tiên và tất cả những ai mong chờ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 tới chắc hẳn đều cảm thấy thất vọng khi Tổng thống Trump ngày 24/5 đơn phương hủy cuộc gặp này. Dù vì lý do gì đi chăng nữa thì quyết định của ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ gây tổn thất không nhỏ cho cả Mỹ, mà cụ thể là Tổng thống Trump, và Triều Tiên.
Chính quyền ông Trump hiện đang bị chỉ trích do thất bại trong việc đặt nền tảng cho một cuộc gặp cấp cao quan trọng như vậy. Thượng nghị sĩ Robert Menendez của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho rằng Tổng thống Trump tiếp tục làm cô lập nước Mỹ khi bất ngờ hủy cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dù đã nhận lời và lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng.
James Acton, đồng giám đốc Chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng Tổng thống Trump sẽ đi trên con đường ngoại giao khó khăn trong việc duy trì chiến dịch gây sức ép khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Quyết định hủy thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên có lẽ cũng đặt dấu chấm hết cho "giấc mơ" Nobel Hòa bình của Tổng thống Trump.
Mời độc giả xem video: Mỹ sẵn sàng rời bỏ các cuộc thương lượng với Triều Tiên (Nguồn: VTC1)
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng có thể sẽ làm tổn thương mối quan hệ của Mỹ với đồng minh Hàn Quốc, bởi Tổng thống Moon Jae In luôn mong muốn cải thiện mối quan hệ liên Triều.
Về phía Triều Tiên, thượng đỉnh Mỹ-Triều đổ vỡ cũng không mang lại lợi ích cho nước này. Mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington không những không khởi sắc mà còn có thể rơi vào trạng thái thù địch. Hy vọng cải thiện nền kinh tế của Bình Nhưỡng cũng như tiến tới hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên bỗng chốc trở nên xa vời.
Tuy nhiên, theo Giám đốc James Acton, thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã được khởi động lại sau những động thái tích cực gần đây của Bình Nhưỡng. Và Triều Tiên không phải quá lo lắng vì họ có thể nhận được sự hỗ trợ của nước láng giềng này về kinh tế.
"Những việc làm của Triều Tiên đã đủ để xoa dịu Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ trả lại cho Bình Nhưỡng đường sống về kinh tế", ông Acton nhận định.
Những tháng vừa qua, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trở nên lắng dịu với những động thái thiện chí từ phía Triều Tiên, đặc biệt là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 4/2018 với cam kết tiến tới hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, quyết định vừa qua của Tổng thống Trump dường như đã phá tan bầu không khí thanh bình ấy và có thể thổi bùng xung đột.