Tổng thống Trump đe dọa sẽ khiến Nga và Trung Quốc "tỉnh táo lại"

Google News

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe doạ Nga và Trung Quốc rằng sẽ xây dựng thêm kho vũ khí hạt nhân cho đến khi “mọi người tỉnh táo lại”.

Những bình luận được Tổng thống Trump nhắm đến Moscow và Bắc Kinh, khi ông chuẩn bị đơn phương rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF), theo RT.
Tổng thống Mỹ cho rằng Trung Quốc nên tham gia vào một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân, cùng với đó chỉ trích Nga đã không tuân thủ thỏa thuận – dù về mặt hình thức hay tinh thần, ông Trump trả lời phóng viên bên ngoài Nhà Trắng ngày 22/10, trước khi lên đường đến một buổi vận động chiến dịch ở Texas.
“Cho đến khi mọi người tỉnh táo lại, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình, theo RT. “Khi họ tỉnh táo lại và tất cả đều hành động một cách thông minh hơn thì chúng tôi sẽ dừng. Không hoàn toàn dừng lại, nhưng chúng tôi sẽ giảm, điều mà tôi rất muốn làm.” – ông nói.
Tong thong Trump de doa se khien Nga va Trung Quoc
 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.
Khi được hỏi liệu có nên xem điều này là một lời đe dọa, ông Trump nói: “Đó là một lời đe dọa với bất cứ ai, bao gồm Trung Quốc, bao gồm Nga.”
Không những vậy Tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh: "Mỹ có nhiều tiền hơn bất cứ ai. Bạn không thể chơi trò đó với tôi được đâu".
INF được Liên Xô và Mỹ ký kết tháng 12/1987 và có hiệu lực vào tháng 6/1988, là một thoả thuận nổi bật nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giúp ổn định an ninh và giảm thiểu nguy cơ vũ khí hạt nhân ở châu Âu suốt 3 thập niên qua.
Theo RT, nếu ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi hiệp ước INF, điều đó sẽ khiến Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược với Nga (START) trở thành rào cản cuối cùng đối với phổ biển vũ khí hạt nhân không kiểm soát. START sẽ hết hạn vào năm 2021 và Washington vẫn chưa có động thái cho thấy muốn gia hạn thêm, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói trong chuyến đi đến Matxcơva.
Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi INF vào hôm 20/10, các đồng minh châu Âu thân cận nhất của Mỹ như Đức và Pháp đã lên tiếng.
Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của INF, đặc biệt là đối với an ninh châu Âu cũng như sự ổn định chiến lược của Pháp.
Đức cũng bày tỏ quan ngại về hậu quả của việc Mỹ rút khỏi INF.
"Hiệp ước đã tồn tại 30 năm là trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh của châu Âu", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói hôm 21/10, đồng thời kêu gọi Mỹ cân nhắc tới hậu quả đối với cả châu Âu và các nỗ lực giải trừ vũ khí trong tương lai sau quyết định rút khỏi INF.
Theo Phương Anh/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)