Theo Tiến sĩ Avery Poole - giảng viên quan hệ quốc tế của Trường Khoa học Xã hội và Chính trị tại Đại học Melbourne, Indonesia dưới thời Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo xem ra ít hướng về phía Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
|
Trong ảnh (từ trái sang phải) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
|
Nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Jokowi “hướng nội” nhiều hơn Tổng thống tiền nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono vì… thiếu kinh nghiệm chính sách đối ngoại. Thế nhưng, trên thực tế, Tổng thống Jokowi vẫn ưu tiên chính sách đối ngoại, nhưng với cách tiếp cận khác hẳn.
Indonesia dưới thời Jokowi ít thiên về chủ nghĩa đa phương nói chung. Trong khi nhấn mạnh vai trò của Indonesia trong các tổ chức quốc tế như G20 Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên Hợp Quốc, Tổng thống tiền nhiệm Yudhoyono cũng tìm cách nâng cao vai trò của Indonesia trong các diễn đàn khu vực như ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn Dân chủ Bali. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nền ngoại giao Indonesia trong các "diễn đàn cấp cao" như góp phần giải quyết những thách thức đòi hỏi hợp tác quốc tế (như an ninh lương thực, thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia).
Ngược lại, Tổng thống Jokowi đã chỉ trích Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Hội nghị Á-Phi vào tháng Tư năm nay vì không đề ra các giải pháp đối phó khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trên thực tế, Tổng thống Jokowi dường như coi trọng quan hệ song phương hơn quan hệ đa phương. Ông và Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi đã nói rõ sẽ tập trung vào các mối quan hệ song phương chiến lược có lợi cho nhân dân Indonesia.
Chính phủ Jokowi coi thương mại là điều kiện giúp tăng trưởng kinh tế Indonesia và không coi ASEAN là “diễn đàn ưa thích” để theo đuổi các thỏa thuận thương mại có lợi.
Các nhà phân tích như Felix Utama Kosasih đã bày tỏ lo ngại rằng Indonesia sẽ ít nhiệt tình hơn với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Một bài xã luận gần đây đăng trên báo The Jakarta Post cho rằng việc không sẵn sàng chuẩn bị cho AEC "sẽ khiến cho Indonesia phải trả giá”.
Bài xã luận viết: "Chắc chắn, Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể tạo ra các tiềm năng to lớn thông qua thương mại tự do và đầu tư giữa các nước thành viên ASEAN. Nhưng AEC không phải là một khối thực thụ với dân số 620 triệu người và tổng GDP 4.700 tỷ USD”.
Các chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Jokowi là đến Nhật Bản và Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất và lớn thứ hai của Indonesia.
Tất nhiên, không chỉ có quan hệ kinh tế định hình cách tiếp cận của Indonesia đối với ASEAN. Các quan chức chủ chốt ở Jakarta cảm thấy thất vọng trước sự bất lực của ASEAN trong việc mang lại những lợi ích thiết thực cho Indonesia.
Trong năm 2009, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Rizal Sukma đã viết một bài, được The Jakarta Post trích dẫn, cho rằng Indonesia cần một "chính sách ngoại giao hậu ASEAN”. Ông Sukma viết rằng Indonesia đã "buộc phải thỏa hiệp " và các sáng kiến của nước này về nhân quyền, dân chủ và gìn giữ hòa bình “không được lắng nghe” trong ASEAN thậm chí còn bị chế nhạo. Hồi cuối năm 2014, ông Sukma lập luận rằng ASEAN không còn là nền tảng của chính sách đối ngoại Indonesia.
Liệu Tổng thống Jokowi có quan ngại về tổn thất danh tiếng của Indonesia trên cương vị một nước quan trọng trong khu vực và toàn cầu, nếu xa rời các nước ASEAN?
Có thể nói rằng Tổng thống Jokowi có chính sách đối ngoại khác biệt. Rất có thể, ông này cảm thấy một nhu cầu chính trị phải đáp ứng tình cảm dân tộc mà ông đã nhấn mạnh trong cuộc đua vào chức tổng thống Indonesia với đối thủ Prabowo Subianto trong năm 2014. Nhưng việc Tổng thống Jokowi không ưu tiên ASEAN không chỉ vì quan tâm đến chính trị trong nước. Ông cũng có vẻ ít quan tâm đến việc thỏa mãn sự mong đợi của các quốc gia ASEAN khác.
Là một cường quốc khu vực, Indonesia được chờ đợi đóng một vai trò trung tâm trong việc tham gia vào các cuộc đối thoại khu vực và giải quyết những thách thức chung. Indonesia vốn được coi là nhà lãnh đạo mặc định của ASEAN - đặc biệt là vì nước này có dân số, diện tích và GDP lớn nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Nhưng chính phủ Jokowi dường như ít quan tâm đến những kỳ vọng của nước ngoài. Các phương tiện truyền thông mô tả Tổng thống Jokowi có thiên hướng ngả về chủ nghĩa dân tộc, nhưng hoàn toàn không phải là một vị tổng thống hướng nội.
Trên thực tế, chính quyền Jokowi xa rời chủ nghĩa quốc tế trong chính sách đối ngoại. Về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, ông Jokowi từng nói: “Đó là một vấn đề đối với các nước khác".
Tổng thống Jokowi nhấn mạnh ý tưởng Indonesia là một "điểm tựa hàng hải toàn cầu" và tìm cách tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương như Ấn Độ và Nam Phi. Thay vì thiếu quan tâm đến chính sách đối ngoại, Tổng thống Jokowi có cách tiếp cận riêng của mình. Đây là điều đáng lo ngại cho tương lai của ASEAN, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu đó có phải là một vấn đề đáng lo ngại đối với Indonesia hay không.