Khủng hoảng tị nạn: “Buôn người” lãi hơn “buôn ma túy”

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc khủng hoảng tị nạn trầm trọng trên thế giới đang tạo cơ hội cho những kẻ "đục nước béo cò", “buôn người” lãi hơn “buôn ma túy”.

Các quan chức thực thi pháp luật cho biết, trong bối cảnh hàng nghìn di dân và người tị nạn rời các quốc gia Trung Đông đến Châu Âu, những kẻ buôn người thu lại lợi nhuận lớn hơn so với “buôn ma túy hay vũ khí” trái phép. Nhà chức trách Châu Âu ước tính có tới 30 nghìn kẻ buôn người.
Những kẻ buôn người lợi dụng sự tuyệt vọng của những di dân muốn thoát khỏi các quốc gia nghèo đói và chiến tranh như Syria, Afghanistan hay Somali để "thừa nước đục thả câu".
“Buon nguoi” lai hon “buon ma tuy”
Hải quân Pháp giải cứu các di dân trên biển Địa Trung Hải.
Những kẻ buôn người sử dụng Facebook và các mạng xã hội khác để quảng cáo về “ngành kinh doanh buôn người” (có thể có giá trị hàng tỷ USD), thương lượng giá cả và sắp xếp địa điểm, thời gian...cho những người di cư và tị nạn để đưa họ sang Châu Âu.
“Đây có lẽ là ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận béo bở nhất”, và Izabella Cooper – người phát ngôn của Cơ quan bảo vệ biên giới Châu Âu – phát biểu.
“Ngày càng nhiều mạng lưới từng buôn bán ma túy trái phép chuyển sang buôn người. Các hoạt động phạm tội gia tăng tỉ lệ với số lượng người nhập cư bất hợp pháp”, Robert Crepinko – người đứng đầu đơn vị phòng chống tội phạm có tổ chức của Europol – cho hay.
“Chắc chắn đó không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol) mà của tất cả các quốc gia thành viên”, Crepinko nhấn mạnh
Mặc dù chỉ 1/10 kẻ buôn người ở Châu Âu tham gia vào đường dây đưa di dân qua Địa Trung Hải, Europol cũng triển khai lực lượng ở các tuyến đường khác, bao gồm cả vùng phía tây Balkans vào Hungary.
Theo Livia Styp-Rekowska – chuyên gia quản lý biên giới và di cư của Tổ chức Di cư Quốc tế, các di dân đôi khi bị chuyển từ tay nhóm buôn người này sang nhóm khác. Tình trạng này khiến các nhà chức trách Châu Âu gặp khó khăn trong khâu kiểm soát.
Các phương thức vận chuyển mạo hiểm mà bọn buôn người sử dụng để đưa di dân tới "miền đất hứa" thường gây ra những thảm kịch đau lòng. Một loạt vụ đắm tàu trên biển  xảy ra đã khiến hơn 2.600 người chết đuối khi những con thuyển chở các di dân gặp nạn giữa biển khơi. Ngoài ra, hàng chục di dân đã bị chết ngạt trong xe tải đông lạnh trên đường từ Hungary tới Áo.
“Buon nguoi” lai hon “buon ma tuy”-Hinh-2
"Bảng giá" mà những kẻ buôn người "niêm yết" cho mỗi lộ trình khác nhau. Theo đó, di dân muốn đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức (A) sẽ mất chi phí từ 10 nghìn USD đến 12,5 nghìn USD. Lộ trình D từ Budapest, Hungary tới Viên, Áo, chi phí rơi vào 650 USD tới 1.000 USD.
Các nhà chức trách nhận định, những tổ chức buôn người ở khu vực Balkans khác nhau về quy mô và thủ đoạn. Chúng thường là nhóm tội phạm có tổ chức ở địa phương muốn lợi dụng cơ hội kiếm tiền. Chúng thuê những người Syria hay Afghanistan làm “môi giới” và liên hệ với những “khách hàng” tiềm năng.
“Nếu di dân nào có nhiều tiền, những kẻ buôn người có thể làm hộ chiếu giả, xin thị thực và đưa họ vé máy bay tới Châu Âu”, bà Cooper cho hay.
Một số người tị nạn Syria đã tìm ra cách rẻ hơn, an toàn hơn và cũng vòng vèo hơn để tới Châu Âu. Cảnh sát Na Uy cho biết, 170 di dân, chủ yếu đến từ Syria, đã vượt qua biên giới Storskog và băng qua cực bắc Na Uy để nhập cảnh trái phép vào nước này.
Mối quan hệ thân thiết giữa Moscow và Damascus giúp di dân Syria dễ dàng xin thị thực đến Nga và từ đó sang Na Uy – quốc gia ký kết hiệp ước về đi lại tự do Schengen.
Trong khi đó, cảnh sát Thụy Điển đã chỉ ra những cách các di dân nhập cảnh trái phép vào nước này, chẳng hạn như ngồi trong xe du lịch đi qua cầu. Ngoài ra, nếu đi bằng máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi di dân Syria sẽ phải trả khoảng 10 nghìn USD, The Washington Post đưa tin.
Thiên An (Theo ST)

Bình luận(0)