“Bạn có sợ không nếu phải lên núi vào ban đêm?”. Đó không phải câu hỏi mà những hướng dẫn viên tại các bảo tàng thường hỏi, nhưng điều này lại diễn ra bên ngoài Bảo tàng Ainu và làng văn hóa ở Hokkaido, đảo lớn thứ hai của Nhật Bản nằm ở phía cực bắc. Bảo tàng được lập ra dành riêng cho nền văn hóa tộc người Ainu, một cộng đồng dân tộc mà không nhiều người, kể cả người dân Nhật Bản, biết đến.
Đối với các hướng dẫn viên ở bảo tàng, những người sống gần đó, tại làng Ainu Shiraoi, cách thành phố Sapporo khoảng một giờ lái xe, chỉ riêng việc có thể kể cho du khách thập phương về những di sản và ngôn ngữ độc nhất vô nhị của tộc Ainu thôi cũng đủ làm họ cảm thấy thỏa mãn, theo CNN.
|
Đàn ông và phụ nữ tộc Ainu. Ảnh: Smithsonian Magazine. |
Người Ainu là dân bản địa Hokkaido. Họ cũng xuất hiện ở Sakhalin, hòn đảo ngoài khơi phía đông nước Nga, và ở Honshu, hòn đảo lớn nhất Nhật Bản. Cơ hội gặp gỡ một người Ainu giữa xã hội hiện đại thực sự là điều hiếm. Dân số tộc Ainu rơi vào khoảng 24.000 người và việc tìm thấy một ai đó có thể nói trôi chảy thứ ngôn ngữ đang đứng trước nguy cơ biến mất này còn khó khăn hơn gấp bội phần.
Nghi lễ hiến tế gấu
Nguồn gốc của người Ainu vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi đối với các nhà nhân chủng học. Nguyên nhân xuất phát từ việc người Ainu chỉ mới được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu phương Tây từ cuối thế kỷ 19. Họ được xác nhận là không phải người Nhật hay người Đại chủng Á. Tuy nhiên, họ lại có những đặc điểm về ngoại hình khá giống người châu Á, như tóc xoăn, mắt nhỏ, cơ thể nhiều lông và cằm phát triển.
Theo trang blog nổi tiếng chuyên viết về Nhật Bản Tofugu, chỉ riêng vẻ ngoài của ngươi Ainu đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa văn hóa của họ với văn hóa người Nhật Bản. Cả đàn ông và phụ nữ Ainu đều để tóc dài tới vai và thường mặc trang phục truyền thống. Đàn ông, không cạo râu cho đến một độ tuổi nhất định, và họ cũng có xu hướng thích nuôi râu dài. Phụ nữ xăm hình ở miệng khi đến tuổi trưởng thành.
Người Ainu chủ yếu sống nhờ vào săn bắn và hái lượm. Thức ăn phổ biến gồm nai, gấu, thỏ, cáo, cá hồi, rễ cây... Khác với người Nhật Bản, người Ainu luôn nấu chín thức ăn, không bao giờ ăn sống. Vũ khí săn bắn chủ yếu gồm giáo tẩm độc và cung tên.
Một điểm tương đồng giữa người Ainu với người Nhật Bản nằm ở tôn giáo. Họ theo thuyết vật linh, tin rằng tất cả sự vật trong tự nhiên đều có linh hồn, được gọi là “kamuy”. Người Ainu thờ rất nhiều vị thần khác nhau nhưng quan trọng nhất là thần “Kim-un”, tức thần gấu hay thần núi. Trong văn hóa Ainu, tất cả các loài động vật đều được cho là hiện thân của những vị thần trên Trái Đất nhưng gấu là vị thần tối cao, đứng trên tất cả.
Người Ainu thực hành tập tục hiến tế gấu với niềm tin rằng hành động “giết hại” gấu sẽ giúp giải phóng linh hồn vị thần khỏi xác thịt trần thế và siêu thoát, trở về với thế giới tinh thần.
Khi gấu được bắt về, người Ainu sẽ nuôi dưỡng nó trong một chiếc cũi lớn. Họ chăm sóc chú gấu cẩn thận như thể nó là thành viên trong gia đình mình, nuôi chú gấu bằng thức ăn dành cho người.
Thậm chí, nếu chú gấu còn quá bé, nó sẽ được bú sữa của người. Nghi lễ hiến tế chỉ diễn ra khi gấu được hai đến ba tuổi và thường được tổ chức vào mùa đông, thời điểm lớp lông của gấu dày nhất và thịt béo nhất.
Nghi lễ kéo dài suốt 3 ngày đêm, trong đó, đêm đầu tiên là quan trọng hơn cả, được gọi là Keo-mante, có nghĩa là “gửi xác đi”. Nghi lễ được cử hành đúng nửa đêm nhằm giúp linh hồn vị thần dễ dàng siêu thoát. Mắt, não và lưỡi của gấu được lấy đi và thay bằng những đóa hoa.
Bị cô lập
Trong thời kỳ Tokugawa (1600 – 1868), tộc Ainu bắt đầu mở rộng giao thương với người Nhật Bản. Họ vẫn có thể duy trì nền văn hóa và lối sống độc đáo của riêng mình dù nhiều bằng chứng cho thấy người Ainu bị biến thành nô lệ.
Tuy nhiên, sự khôi phục của thời kỳ Minh Trị đã mang đến những biến động lớn lao cho Nhật Bản, bao gồm cả người Ainu, vào năm 1899. Trong bối cảnh Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh cải cách theo đường lối phương Tây, chính phủ quyết định thống nhất đất nước bằng cách sáp nhập đảo Hokkaido ở phía bắc và đề ra luật cấm người Ainu tham gia các hoạt động văn hóa riêng. Nói cách khác, người Ainu bị chính phủ tước đi đất đai, phong tục, ngôn ngữ với niềm tin rằng nhờ vậy, họ sẽ hòa nhập vào văn hóa Nhật Bản.
Mãi đến năm 1997, luật trên mới được gỡ bỏ và người Ainu mới có thể thực hành trở lại những phong tục, tập quán của mình.