Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi khu vực Đông Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chiến dịch oanh kích tại đây.
Ankara cho biết chiến dịch quân sự mang tên "Mùa xuân Hòa bình" nhằm chống lại phiến quân IS và lực lượng người Kurd mà nước này coi là khủng bố, tiến tới thành lập một vùng đệm an toàn và tạo điều kiện cho người tị nạn Syria được trở về nhà.
Trước diễn biến căng thẳng hiện nay tại Syria, nhiều tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới đã bày tỏ quan điểm của họ.
|
Chỉ vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công vào Syria, đã có ghi nhận về thương vong của dân thường. (Ảnh: Anadolu). |
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng bất cứ hành động quân sự nào đều phải tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Phát ngôn viên Farhan Haq nói: "Dân thường và các cơ sở hạ tầng dân cư phải được bảo vệ. Tổng thư ký tin rằng không thể giải quyết cuộc xung đột tại Syria bằng biện pháp quân sự".
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt các hoạt động quân sự và Liên minh Châu Âu sẽ không trả tiền cho bất kỳ "vùng an toàn" nào được Ankara tạo ra. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ "kiềm chế" và tránh bất kỳ hành động nào gây bất ổn khu vực, gia tăng căng thẳng và mất mát cho người dân.
Các nước phương Tây như Anh, Pháp, Italy, Hà Lan, Đan Mạch và Australia đều đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, coi đây là một sai lầm và yêu cầu nước này chấm dứt các hành động quân sự để không gây bất ổn thêm cho khu vực, tạo điều kiện cho phiến quân IS trỗi dậy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ là một "ý tưởng tồi tệ" và thậm chí đe dọa sẽ "hủy diệt" nền kinh tế nước này nếu Ankara đi quá giới hạn tại Syria.
Về phần mình, Nga yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không gây cản trở các nỗ lực giải quyết vấn đề Syria. Ngay trước cuộc tấn công, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Erdogan, khuyên nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phải "cân nhắc kỹ tình hình".
Mời độc giả xem thêm video: Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Syria (Nguồn: SANA)
Các nước trong khối Arab như Ai Cập, Saudi Arabia, Syria, Iraq, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain, Kuwait,... đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ với hành động của Ankara. Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit cho đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng lãnh thổ Syria và có thể khiến tổ chức khủng bố IS trỗi dậy.