Đáp trả hay kiềm chế? Gia tăng các lệnh trừng phạt hay đàm phán? Đâu là chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay với Iran, đặc biệt liên quan tới các vụ tấn công mới đây nhất nhằm vào các tàu chở dầu trên Vịnh Oman?
Dù những căng thẳng hiện nay đang làm gia tăng lo ngại về nguy cơ một cuộc xung đột quân sự tại vùng Vịnh, song hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, cả Mỹ và Iran đều không muốn lún sâu vào một chiến tranh mới, mà kết quả đã được dự báo trước là sẽ chẳng có lợi cho bên nào.
Chỉ vài giờ sau vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu, 1 của Na Uy và 1 của Nhật Bản trên vịnh Oman, chính quyền Mỹ đã “chỉ đích danh” Iran phải chịu trách nhiệm. Theo Tổng thống Trump, qua phân tích những hình ảnh ghi lại được của Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ, có thể nhận định, ngay sau vụ tấn công, Iran đã tìm cách thu hồi lại một quả thu lôi chưa kịp phát nổ trên 1 trong số 2 tàu chở dầu bị tấn công. Dù chất lượng đoạn băng còn là điều phải bàn cãi, song nhà lãnh đạo Mỹ vẫn kiên quyết cho rằng dường như Iran đã tìm cách xóa dấu vết vụ tấn công.
|
Một trong hai tàu chở dầu bị cháy ở Vịnh Oman, cách bờ biển Iran 14 hải lý. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là cho tới tận thời điểm này, chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về những biện pháp đáp trả. Điều này cho thấy phần nào sự kiềm chế của Mỹ, dù trong suốt 1 năm qua, nước này không ngừng gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao chống Iran và thậm chí là cả sức ép tối đa về mặt quân sự khi gia tăng hoạt động triển khai binh lính, tàu chiến và máy bay chiến đấu tới Trung Đông hồi tháng 5 vừa qua.
Theo ông Colin Kahl, một cựu quan chức trong chính quyền Tổng thống Obama và hiện là chuyên gia phân tích thuộc Đại học Stanford, California, tình hình giữa Mỹ và Iran đang trở nên ngày càng nguy hiểm. Hai nước có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc chiến tranh mà tới nay họ vẫn nói là muốn tránh. Với cuộc chiến ngôn từ diễn ra gần như là thường xuyên và sự leo thang căng thẳng mới đây, lo ngại của nhiều nhà quan sát, cũng như các đồng minh của Mỹ là một sự cố có thể biến thành một cuộc đối đầu mở giữa hai nước.
Tuy nhiên, ông David Miller, một cựu chuyên gia đàm phán của cả chính quyền Dân chủ và Cộng hòa, các vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman không đủ để trở thành cái cớ hợp lý cho một cuộc chiến tranh. Nếu sau vụ việc này, chính quyền Tổng thống Trump lựa chọn tấn công trực tiếp các tàu của Iran, lãnh thổ Iran hay các lực lượng Iran tại Iraq, Syria hay Yemen, thì nước này sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ quốc tế nào.
Mặt khác, Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố, ông không muốn để quân đội Mỹ phải tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột tốn kém và không hồi kết nào nữa. Nếu như Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan tuyên bố quyết tâm bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới, thì mặt khác ông cũng nhắc lại rằng, Mỹ không tìm kiếm chiến tranh hay xung đột. Bản thân Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ghi nhận, tới giai đoạn hiện nay, không có bất kỳ lợi ích hay người Mỹ nào bị tấn công và vì đây là một vấn đề liên quan tới giao thông hàng hải thế giới, nên cần được giải quyết ở cấp độ quốc tế:
Ông Patrick Shanahan nói:“Chúng tôi luôn lên kế hoạch cho nhiều tình huốn khác nhau và như chúng tôi đã nói trước đó, để giải quyết vấn đề chúng ta cần phải đạt được sự đồng thuận quốc tế. Khi nhìn vào tình huống xảy ra đối với các tàu Na Uy, Nhật Bản, Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, cũng như thực tế là 15% lượng dầu thế giới đi qua eo biển Hormuz, chúng ta sẽ nhận thấy rõ là cần phải lập kế hoạch dự phòng nếu tình hình xấu đi. Tuy nhiên chúng ta cũng cần mở rộng sự hỗ trợ cho tình huốn quốc tế này”.
Có thể nói, ngoài những phát biểu chỉ trích mạnh mẽ các vụ tấn công, toàn bộ mục tiêu trong chiến lược gây sức ép của Mỹ vẫn khá mơ hồ. Ngay trong những tháng vừa qua, bên cạnh việc gia tăng sức ép kinh tế, ngoại giao và quân sự chống Iran, Tổng thống Donald Trump cũng gia tăng những lời kêu gọi đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo Iran.
Trong một phát biểu hôm 13/6, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, vẫn còn quá sớm để cân nhắc tới khả năng đạt được một thỏa thuận, để rồi sau 1 ngày sau đó ông lại tuyên bố sẽ quay lại bàn đàm phán một khi Iran sẵn sàng.
Chính vì thế, các lệnh trừng phạt chỉ là nhằm phá hủy nền kinh tế Iran hay thực sự là để đàm phán về một thỏa thuận tốt nhất? Và liệu chính quyền Mỹ có sẵn sàng nhượng bộ những yêu cầu của Iran nếu đàm phán hay không?, tất cả đều là những câu hỏi còn để ngỏ.