Ấn Độ vốn là quốc gia còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nỗi thống khổ vì bị phân biệt đối xử và bạo lực mà phụ nữ nước này phải chịu đựng vẫn trở thành nỗi ám ảnh luôn thường trực. Những vụ án nổi tiếng được đề cập trong loạt bài “Phụ nữ Ấn Độ và nỗi ám ảnh về bạo hành, hiếp dâm” sau đây sẽ phần nào hé lộ cuộc sống đọa đày của không ít phụ nữ tại đất nước này.
|
Thi thể thai phụ và chồng bị vứt ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” để dân làng chứng kiến. |
Ba cái chết đau đớn
Tại một ngôi nhà nhỏ thuộc bang Haryana, Bắc Ấn Độ, trong khi hàng xóm xung quanh vẫn còn say giấc thì Sunita Devi, 21 tuổi đã thức dậy chuẩn bị nấu bữa sáng cho chồng hôm nay phải đi làm sớm. Thời điểm này, cô đang mang thai được 22 tuần nhưng không cảm thấy mệt mỏi như nhiều bà bầu khác.
Vừa rửa mặt xong, khi đang phơi khăn mặt lên dây, thai phụ bỗng nghe thấy tiếng bước chân uỳnh uỵch. Nhìn ra phía cổng, tuy trời còn tờ mờ nhưng cũng đủ để Sunita nhìn thấy 5 người đàn ông cầm vũ khí trên tay xông vào lùng sục khắp sân nhà mình.
Nhìn thấy Sunita, bọn chúng ngay lập tức hò nhau chạy đến đấm đá túi bụi vào bụng cô. Đau đớn, cô gào lên gọi chồng là Jasbir Singh, 22 tuổi, khi ấy vẫn còn đang ngủ bên trong. Khi anh choàng tỉnh chạy ra, những tên đàn ông lạ mặt xông tới ghì chặt.
Hàng xóm lúc này nghe tiếng kêu cứu bắt đầu lục đục kéo sang nhưng khi họ còn chưa kịp làm gì thì cả Sunita và Jasbir đã bị kéo ra những chiếc xe đợi sẵn bên ngoài, lao vút đi. Tới một khu vực vắng vẻ, họ bị 5 tên bóp cổ cho tới chết.
Thi thể của họ, quần áo rách tả tơi, sau đó bị đưa về làng Ballah, vứt trên nền đất trước sân nhà ông Om Prakash - cha cô gái. Thấy ồn ào, cả gia đình Sunita chạy ra nhưng lạ một điều là người thân của cô không hề bất ngờ trước việc này.
Sự việc lập tức được báo lên cảnh sát. Ông Om Prakash cùng 5 người khác trong đó có một người chú và hai người anh em họ của Sunita của nạn nhân đã bị bắt giữ. Tại đồn cảnh sát, cha của Sunita thú nhận tuy không trực tiếp ra tay nhưng bản thân ông ủng hộ việc giết chết đứa con gái đang mang thai và con rể của mình.
Bi kịch từ hủ tục
Cảnh sát cho biết, việc vứt thi thể đôi vợ chồng giữa thanh thiên bạch nhật như vậy là hành động có chủ đích để tất cả mọi người chứng kiến. Dụng ý của những kẻ giết người là muốn cho dân làng chứng kiến cái chết nhục nhã của đôi tình nhân nhằm phục hồi danh dự cho gia đình, rửa sạch nỗi nhục mà cô gái đã gieo cho họ.
|
Người thân của Jasbir Singh đau buồn trước cái chết của con trai, con dâu và đứa cháu chưa kịp chào đời của mình. |
Đươc biết, Sunita và Jasbir vốn là hai người bạn, họ bắt đầu có cảm tình và yêu thương nhau lúc cùng học chung một lớp. Sau khi Jasbir rời trường để đi học nghề chụp ảnh, thỉnh thoảng anh vẫn quanh quẩn trước cổng trường để đón người yêu.
Tuy nhiên, mối tình của họ bị gia đình ngăn cấm quyết liệt. Tại ngôi làng này và những khu vực lân cận, việc phụ nữ và đàn ông ở cùng một làng kết hôn là điều cấm kỵ. Cho dù hai người này không có quan hệ huyết thống, họ hàng gì, nhưng do cùng làng, họ được xem như là anh chị em ruột thịt của nhau và tình yêu ấy bị coi là loạn luân.
Mọi chuyện còn trở nên trầm trọng hơn khi Jasbir xuất thân từ tầng lớp thấp hơn. Sau đó, Sunita bị ép cưới một người cô không yêu. Cuộc sống càng trở nên tăm tố khi chồng cô là một kẻ vũ phu, thường xuyên đánh đập dã man vợ.
Không chịu được cuộc sống như tù đày, Sunita bỏ trốn cùng người yêu. Họ đưa nhau tới sinh sống tại một ngôi làng khác. Cuộc sống tưởng chừng đã mỉm cười khi hai người chuẩn bị đón thêm thành viên mới thì tại họa ập tới. Không hiểu bằng cách nào, cha của Sunita tìm được nơi ở của họ.
“Không ai thèm uống nước ở nhà tôi”, mẹ của Sunia nói. “Hành động của con gái tôi đã khiến cho chúng tôi trở thành người xa lạ trên chính quê hương mình. Không ai đến nhà chúng tôi cả. Để lấy lại danh dự cho gia đình, con bé phải trả giá cho hành động ngốc nghếch của nó”.
“Dù những kẻ gây nên cái chết cho Sunita và Jasbir đã phải chịu sự trừng phạt thích đáng nhưng cả hung thủ và những người trong làng dường như không thấy rằng đó là tội ác và ân hận với hành vi này”, đại diện cảnh sát cho biết. “Họ chỉ nghĩ rằng đã loại bỏ được một nỗi ô nhục”.