Một tàu lặn thám hiểm tư nhân tên Titan chở bốn hành khách và một lái tàu xuống tham quan khu vực xác tàu Titanic bị đắm ở khu vực ngoài khơi bờ biển Canada và Mỹ đã mất liên lạc hôm 19-6, tờ The New York Times đưa tin. Các lực lượng chức năng hai nước đang tích cực tìm kiếm, trong bối cảnh dưỡng khí trên tàu đang cạn dần.
Dưỡng khí chỉ đủ cho khoảng 70 giờ
Theo thông tin của công ty sở hữu tàu Titan là OceanGate Expeditions (Mỹ), các hành khách trên tàu đang tham gia chuyến du lịch kéo dài tám ngày để tham quan xác tàu Titanic. Hiện danh tính của bốn hành khách chưa được công bố chính thức nhưng theo nhiều nguồn tin thì những người này gồm: Chủ tịch OceanGate Expeditions - ông Stockton Rush, cựu lính hải quân người Pháp - ông Paul Henri Nargeolet, Chủ tịch Tập đoàn quốc tế Action Aviation - ông Hamish Harding, doanh nhân người Pakistan - ông Shahzada Dawood. Ông Nargeolet được cho là một chuyên gia hàng đầu về tàu Titanic khi đã tham gia nhiều chuyến thám hiểm xác tàu này.
Các hành khách được đưa ra tàu Titan bằng một tàu lớn hơn - tàu này đóng vai trò là trung tâm liên lạc và hỗ trợ cho tàu Titan khi tàu bắt đầu lặn. OceanGate Expeditions cho biết tàu Titan được trang bị hệ thống giám sát an toàn thời gian thực, có thể theo dõi áp suất nước và độ bền của tàu. Lái tàu “sẽ được cảnh báo khi có bất kỳ vấn đề nào được phát hiện nên có đủ thời gian để nổi lên”.
Dù vậy, tàu Titan không được trang bị GPS dưới nước, lái tàu chỉ được hướng dẫn bằng tin nhắn văn bản từ tàu mẹ. Đài CNN dẫn lời một nhân chứng từng ngồi tham quan trong tàu Titan kể rằng thời điểm đó tàu bị hỏng thiết bị liên lạc và bị mất liên lạc với tàu mẹ trong hơn 2 giờ.
Thời gian lặn xuống xác tàu Titanic và nổi lên dự kiến là 8 tiếng. Tàu Titan được trang bị thiết bị cứu hộ và dưỡng khí đủ dùng trong 96 giờ. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, không giống như tàu ngầm lớn, tàu lặn Titan chỉ có nguồn dự trữ năng lượng hạn chế nên nó cần một tàu mẹ để phóng và vớt lên khỏi mặt nước sau khi lặn.
Tàu Titan được cho là mất liên lạc với tàu hỗ trợ sau 1 giờ 45 phút chuyến lặn bắt đầu. Tàu hỗ trợ bắt đầu nỗ lực tìm kiếm tàu Titan nhưng bất thành, lực lượng tuần duyên Mỹ - Canada được thông báo sau đó.
Không dễ tìm cứu
Tờ The Guardian dẫn lời Chuẩn Đô đốc John Mauger của Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết nhiều máy bay, tàu của Mỹ và Canada đang tìm kiếm tại khu vực tàu Titan mất liên lạc. Quá trình tìm kiếm gặp nhiều khó khăn vì không thể xác định được liệu tàu Titan đã nổi lên hay chưa. Lực lượng cứu hộ phải tìm kiếm cả trên mặt nước lẫn dưới lòng biển.
Hiện cơ quan chức năng đang lên kế hoạch thả một phương tiện lặn điều khiển từ xa (ROV) để tìm kiếm sâu hơn dưới biển, mở rộng phạm vi tìm kiếm xuống độ sâu 6.000 m. Đây là một loại phương tiện có dây nối với một tàu mẹ trên mặt nước và được trang bị cảm biến để giúp người lái ngồi trên tàu mẹ nhìn thấy được dưới lòng biển.
Bức ảnh được cho là tàu lặn Titan của Công ty OceanGate Expeditions đang được kéo ra điểm lặn trước khi mất tích sau đó vào ngày 19-6. Ảnh: BLOOMBERG
Trường hợp tìm thấy tàu Titan ở gần xác tàu Titanic sẽ xuất hiện vấn đề khác. Theo đài CNN, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của hải quân Mỹ thường chỉ hoạt động ở độ sâu khoảng 240 m đổ lại, các tàu lặn cứu hộ chuyên dụng của hải quân Mỹ cũng chỉ đạt độ sâu tối đa 610 m, trong khi xác tàu Titanic nằm ở độ sâu gần 3.900 m.
Một vấn đề nữa, tàu Titanic khi đắm đã vỡ thành nhiều mảnh. Do đó, có thể sẽ rất khó để phân biệt được đâu là tàu Titan, đâu là mảnh vỡ xung quanh.
Hiện giới chuyên gia đưa ra một số giả thuyết giải thích lý do tại sao tàu Titan mất liên lạc. Theo cựu sĩ quan hải quân Úc - ông Frank Owen OAM, việc tàu Titan mất liên lạc 1 giờ 45 phút sau khi lặn cho thấy tàu này lặn gần tới nơi và có thể bắt đầu thấy những mảnh vỡ vương vãi của xác tàu Titanic. Một kịch bản đã xảy ra là tàu Titan bị vướng một trong số các mảnh vỡ này và kẹt ở dưới, không thoát ra được. Dù vậy, ông Owen OAM cho rằng trong trường hợp này thì tàu Titan vẫn được trang bị các khối tạ nặng để khi thả ra sẽ tạo đủ lực để đẩy con tàu lên mặt nước.
Trong khi đó, GS Alistair Greig thuộc ĐH London (Anh) đưa ra một kịch bản khác là thân tàu Titan bị thủng do áp lực nước. Đây là kịch bản xấu bởi vết rò rỉ có thể dẫn tới việc tàu mất năng lượng và không đủ lực để nổi lên, thậm chí chìm sâu xuống, trong khi ở thời điểm hiện tại rất ít tàu ngầm hay tàu lặn có thể xuống được độ sâu của tàu Titan.•