Song Uk, nhân viên văn phòng tại Seoul, 34 tuổi kể: “Bố mẹ tôi thường xuyên hỏi han, giục giã thậm chí gây áp lực với tôi về chuyện kết hôn. Lúc đầu họ chỉ nói theo kiểu vui miệng nhưng vài năm gần đây, khi tôi bước qua tuổi 30, đấy là chủ đề nghiêm túc và đầy áp lực mỗi khi tôi về thăm nhà”
|
Kết hôn, lập gia đình, sinh con đang là áp lực khủng khiếp đối với thanh niên Hàn Quốc |
“ Lạ một cái là ngay cả những người chẳng mấy thân thiết thậm chí lần đầu gặp cũng hỏi tôi về chuyện lập gia đình. Đây có lẽ là câu hỏi phổ biến nhất đối với những người Hàn Quốc lớn tuổi hơn” – Hyun Na, 32 tuổi, một cộng tác viên bán hàng online cũng tại Seoul cho biết.
Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ gia đình, xã hội thì có một thực tế là thế hệ trẻ Hàn Quốc, quê hương của HLV Park Hang Seo, đặc biệt là nhóm dưới 35 tuổi, ngày càng… sợ kết hôn.
Một cuộc khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc được công bố vào đầu tháng 1 cho thấy vào năm 2017 chưa đầy 40% trong nhóm tuổi 20-44 tuổi thể hiện sự tích cực trong hẹn hò, con đường quan trọng nhất dẫn tới hôn nhân.
Trong năm 2015, 90% nam giới và 77% nữ giới ở độ tuổi 25-29 của Hàn Quốc chưa từng kết hôn, theo một báo cáo trên tờ The Korea Herald. Trong độ tuổi 30-34, tỉ lệ này là 56%, và 33% đối với nhóm tuổi 40-45.
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc, vì thế, cũng thấp nhất thế giới, giảm xuống 0,95 vào cuối năm 2017 – tức cứ 100 phụ nữ thì có 95 trẻ em được sinh ra. Để duy trì dân số ổn định, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc cần phải đạt mức tối thiểu 2.1.
Được biết, trong thời kỳ bùng nổ dân số đầu thập niên 70 thế kỉ trước, bình quân gần 1 triệu trẻ em Hàn Quốc đã được sinh ra mỗi năm. Nhưng năm ngoái, con số này đã giảm khủng khiếp, khi chỉ có 357.700 em bé ra đời.
Kết quả của thực trạng “sợ kết hôn” khiến Hàn Quốc đang trên con đường trở thành quốc gia siêu già. Ước tính, đến năm 2030, gần một phần ba dân số Hàn Quốc sẽ từ 65 tuổi trở lên. Báo cáo được công bố năm ngoái của chuyên gia kinh tế Lee Jong-wha của Đại học Hàn Quốc.
Dân số già sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng trong độ tuổi lao đông. Nguồn cung lao động giảm sút đương nhiên ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Lượng người cao tuổi nhiều cũng đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ phải chi nhiều hơn cho chi phí phúc lợi, tức thế hệ trẻ sẽ phải đóng nhiều tiền thuế hơn. Đây là vấn đề mà Đức, Ý hay Nhật Bản, những quốc gia siêu già đã và đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, việc kết hôn và sinh con ở một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 17 năm, lên tới 3,4%, đang trở thành gánh nặng với thanh niên Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy mỗi cặp vợ chồng Hàn Quốc phai chi trung bình 19.000 USD cho toàn bộ mọi chi phí liên quan đến việc kết hôn. Áp lực đúng là đến từ mọi phía!
Một nền văn hóa ưu tiên công việc là một lý do khác khiến người Hàn Quốc chọn lối sống độc thân hơn là lập gia đình. Dữ liệu của OECD trong năm 2017 cho thấy, trung bình một người Hàn Quốc làm việc nhiều hơn gần 250 giờ so với người Mỹ và hơn 424 giờ so với người Đức.
Năm ngoái, một cuộc khảo sát với 1.141 người tham gia qua các trang web việc làm Job Korea và Albamon cho thấy 68,3% quá tập trung vào sự nghiệp hoặc cuộc sống cá nhân nên bàng quan với việc kết hôn. Trong khi 47,5% số này lo lắng về áp lực tài chính khi tiến tới hôn nhân.
Chính quyền Seoul nhận thức rõ về thực trạng này. Kể từ năm 2005, Seoul đã chi 36 nghìn tỷ won (32,1 tỷ USD) cho việc giảm bớt gánh nặng tài chính cho mỗi gia đình khi họ có con. Seoul đồng thời cung cấp các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em, vào khoảng 300.000 won (270 USD) mỗi tháng cùng với các ưu đãi khác cho các gia đình trẻ.
Nhiều biện pháp mới đã được công bố vào tháng 9 năm ngoái. Chẳng hạn như kéo dài thời gian “nghỉ làm cha” cho nam giới lên hai năm. Trong thời gian này, những ông bố trẻ sẽ được đảm bảo 80% mức lương mà họ vẫn được nhận hàng tháng khi làm việc bình thường – tối thiểu 1,5 triệu won.
Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa tạo ra tác động đáng kể tới ý thức “lập gia đình” trong thanh niên Hàn Quốc, đặc biệt là với đối tượng nữ giới.
Hàn Quốc vẫn là một xã hội bảo thủ và gia trưởng. Phụ nữ Hàn Quốc hiện đại không khó để nhận thấy họ… mất nhiều hơn được nếu dấn thân vào cuộc sống gia đình. Shin Gi-wook, giáo sư xã hội học tại Đại học Stanford, cho biết phụ nữ cảm thấy khó khăn trong việc giữ vững sự nghiệp cộng thêm những kì vọng xã hội đặt vào họ, nhất là khi có gia đình.
“Các hệ thống hỗ trợ xã hội của Hàn Quốc vẫn hướng đến nam giới và trung tâm luôn là nam giới. Thực tế này khiến phụ nữ chịu rất nhiều áp lực khi tính tới chuyện kết hôn”, ông nói.
Theo nhà xã hội học và giảng viên Đại học Seoul Michael Hurt, Hàn Quốc cần loại bỏ chủ nghĩa phân biệt giới tính và cải cách các chính sách đối với phụ nữ, nếu muốn tăng tỷ lệ sinh theo con đường tự nhiên.