Sứ mệnh cứu Thượng đỉnh Mỹ-Triều của Tổng thống Moon Jae-in

Google News

Ông Moon Jae-in nỗ lực cứu Thượng đỉnh Mỹ-Triều vì hiểu rằng hòa bình với Triều Tiên là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Hàn Quốc.

Tối 26/5 ở Seoul, hình ảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tươi cười ôm chặt Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, thắp sáng màn hình hàng chục chiếc điện thoại thông minh của người dân xứ sở Kim chi.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tươi cười ôm chặt Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi hai ông gặp nhau ở Bàn Môn Điếm hôm 26/5. Ảnh: AP. 
Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) khi đó loan báo, ông Moon vừa gặp ông Kim tại phần lãnh thổ thuộc Triều Tiên của khu phi quân sự (DMZ). Đây là cuộc gặp gỡ lần thứ 2 của họ chỉ trong vòng 1 tháng.
Trong cuộc họp báo thông tin về kết quả cuộc gặp được tổ chức sáng 27/5, Tổng thống Moon cho biết, thông qua đường dây nóng liên Triều, phía Triều Tiên đưa ra yêu cầu gặp “không chính thức” và ông đã vui vẻ nhận lời.
Động thái này được ví như “sự hồi sức” mạnh mẽ cho ông Moon – người vốn được cho là nhà trung gian kém may mắn sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến với lãnh đạo Triều Tiên vào tuần trước. Tuyên bố hủy Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều được ông Trump đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Moon rời khỏi Nhà Trắng.
Bình luận về tình huống này, ông Kim Hong-kook, nhà báo và giáo sư tại Đại học Kyonggi mô tả nó giống như một “vở kịch quyền lực của ông Trump” mà hậu quả có thể dẫn đến việc làm suy yếu vị thế của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Điều đáng mừng là Tổng thống Moon đã nhanh chóng kiểm soát lại những gì mà ông mô tả là cơ hội mang lại bước đột phá lịch sử cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Chính vì thế mà người Hàn Quốc dường như đã bị sốc trước thông tin về cuộc gặp bất ngờ ngày 26/5. Ông Moon trở về từ Triều Tiên với thông điệp nhằm vào Washington: “Không có bất kỳ nghi ngờ nào về sự sẵn lòng của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đối với phi hạt nhân hóa. Nhưng nếu có, ông Kim muốn đảm bảo rằng Mỹ sẽ tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên”.
Người góp phần làm sống lại Thượng đỉnh Mỹ-Triều
Có những dấu hiệu cho thấy ông Trump và ông Kim sau tất cả những khúc mắc, giờ đây với sự thúc giục cởi mở hơn từ phía Hàn Quốc đã có thể sẵn sàng tiến tới Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 12/6 tới ở Singapore.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người từng là luật sư trong lĩnh vực nhân quyền đã làm được một điều mới lạ trong đời sống chính trị Hàn Quốc khi vượt qua sự chia rẽ ý thức hệ thời hậu chiến.
Là người từng giữ chức Chánh Văn phòng Tổng thống dưới thời Tổng thống Roh Moo Hyun, ông Moon Jae-in được cho là một “học viên” của “chính sách Ánh dương” và đã công khai mong muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên ngay khi nhậm chức. Ông Moon quyết không lặp lại những sai lầm của chính quyền Roh Moo Hyun - nhà lãnh đạo từng chủ trương công khai đối đầu với Mỹ và trong khi đang ở những ngày tháng cuối cùng của nhiệm kỳ đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên khi đó là Kim Jong-il. Điều này khiến cả hai bên không còn nhiều thời gian để thực thi kết quả của hội nghị.
Người ta thấy ở Moon Jae-in bóng dáng của một Barack Obama hơn là Bernie Sanders. Ông không sử dụng những ngôn từ chống Mỹ và không muốn, hoặc không thể đặt ra câu hỏi về sự hiện diện rộng rãi của binh sĩ Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. Ông tin rằng người Hàn Quốc nên đóng vai trò chủ chốt đối với hòa bình nhưng đã nhanh chóng tán dương những gì ông Trump làm và tán thành các cuộc đàm phán 3 bên (Hàn-Triều-Mỹ).
Ông Moon bắt đầu công việc giải quyết vấn đề Triều Tiên vào tháng 2/2018, tại Thế vận hội mùa Đông được tổ chức ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Sử dụng tinh thần và bối cảnh của Thế vận hội, ông kết nối hai miền Triều Tiên và khởi đầu con đường đưa Triều Tiên và Mỹ tiến lại gần nhau hơn.
Tuy nhiên, tài năng chính trị và phong cách lịch thiệp của Tổng thống Moon không đảm bảo cho việc ông tiếp tục được sự ủng hộ rộng rãi của các bên liên quan trong giải quyết “bài toán khó” mang tên Triều Tiên.
“Cách tiếp cận của Tổng thống Moon là hạ mình một chút để gây dựng lòng tin, sự bảo đảm cho các đối tác đàm phán của ông ấy, vì lợi ích của nền dân chủ và hòa bình. Mặc dù vậy, ngay cả khi ông Moon thành công với các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ thì thành tựu chính trị của ông ấy cũng có thể bị phá hoại bởi sự phản kháng của phe bảo thủ Hàn Quốc, chuyên gia Kim Hong-kook thuộc Đại học Kyonggi nhận xét.
Nói cách khác, ngay cả khi ông Moon không làm điều gì sai thì những người trung thành với cựu Tổng thống Park Geun-hye vẫn sẽ tìm cách để công kích ông. Và một khi Tổng thống Moon có mối liên hệ chặt chẽ hơn với Triều Tiên, ông lại có nguy cơ bị quy là chống Mỹ.
Là lãnh đạo của một đất nước, hơn ai hết, ông Moon hiểu rằng hòa bình với Triều Tiên là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Hàn Quốc. Chính vì vậy, Tổng thống Moon vẫn sẽ phải tiếp tục đi theo con đường ông đã chọn, từng bước, từng bước một. Và nếu cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể diễn ra như dự kiến thì đó rõ ràng là thành quả đáng ghi nhận cho những nỗ lực của ông Moon dù kết quả của cuộc gặp này có như thế nào đi nữa./.
Theo Hùng Cường/Vov

>> xem thêm

Bình luận(0)