Thủ tướng Boris Johnson thông báo lệnh phong tỏa cho 66 triệu dân Anh cùng thông điệp "con đường phía trước khó khăn" và "rất nhiều sinh mạng đáng buồn sẽ bị mất", theo BBC.
"Từ tối nay (23/3), tôi buộc phải có chỉ thị rất đơn giản với người dân Anh - bạn phải ở nhà", ông Johnson nói, thừa nhận đại dịch Covid-19 là mối "đe dọa lớn nhất" nước Anh từng đối mặt trong nhiều thập kỷ qua.
"Vì việc cấp thiết lúc này chúng ta phải làm là ngăn chặn dịch lây lan giữa các gia đình".
|
Ông Boris Johnson thông báo tiến hành phong tỏa nước Anh. Ảnh: Reuters. |
Thông báo từ số 10 Downing ở London hôm 23/3, ông Johnson nói "giờ là lúc chúng ta phải làm nhiều hơn" và công bố một loạt biện pháp phong tỏa cứng rắn mà đã được nhiều nước châu Âu khác thực hiện.
"Mọi người chỉ được rời nhà cho một số việc rất hạn chế", ông nói. "Cảnh sát có quyền cưỡng chế thực hiện bằng cách phạt và giải tán các nhóm tụ tập".
"Không thủ tướng nào muốn công bố biện pháp này nhưng tôi biết cách phong tỏa này đang và sẽ cứu sinh mạng".
Chính phủ Anh cùng ngày công bố có thêm 54 ca tử vong trong 24 giờ nâng tổng số người chết ở nước này lên 335. Số ca nhiễm Covid-19 ở nước này cũng tăng lên 6.650 so với 5.683 một ngày trước đó.
Theo lệnh cấm mới, không ai được rời nhà trừ khi đi mua những nhu yếu phẩm cần thiết, cần hỗ trợ y tế và di chuyển tới nơi làm nếu việc làm từ nhà không thể thực hiện được.
Các cửa hàng bán vật dụng không cần thiết, bao gồm cả quần áo và đồ điện tử, đều bị đóng cửa - cùng với thư viện, các sân chơi, phòng tập ngoài trời và nơi thờ tự.
Các hoạt động như đám cưới, rửa tội và những lễ nghi khác đều bị cấm. Lệnh cấm không áp dụng với đám tang.
"Tôi có thể đảm bảo là các lệnh cấm này sẽ thường xuyên được xem xét (để điều chỉnh", ông Johnson nói. "Chúng ta sẽ xem lại các biện pháp sau ba tuần, sẽ nới lỏng nếu bằng chứng cho thấy có thể làm việc đó".
"Vào lúc này không có giải pháp nào dễ. Con đường phía trước là khó khăn".
Anh là nước mới nhất áp dụng phong tỏa toàn quốc sau khi dịch Covid-19 lan ra từ Trung Quốc từ cuối tháng 12/2019 và trở thành đại dịch toàn cầu. Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì dịch từ hôm 5/3 nhưng đã bị chỉ trích vì cách tiếp cận không đủ cứng rắn để ngăn dịch lây lan như các nước.
Ông Johnson đã liên tục bị chỉ trích vì hành động quá trễ khiến Anh trở thành một tâm dịch lớn ở châu Âu cùng với Italy, Tây Ban Nha và một số nước khác.
Ông dù vậy được khen ngợi khi nhanh chóng thông qua gói cứu trợ tài chính cho phép chính phủ trả 80% lương cho các doanh nghiệp để ngăn tình trạng sa thải hàng loạt giữa bối cảnh kinh tế bất ổn vì dịch.
Italy hiện là nước có số ca tử vong cao nhất trên toàn thế giới với 6.077 người thiệt mạng và 63.927 ca nhiễm.
Cố vấn khoa học của chính phủ Anh cho rằng ước tính 55.000 người đã nhiễm virus ở nước này là "hợp lý" cho tới thời điểm này.