Bên cạnh những thuận lợi, ông Lawrence Wong sẽ phải đối diện với những kỳ vọng và trọng trách lớn lao khi kế thừa di sản của những người tiền nhiệm.
Nội các mới của Singapore có gì đáng chú ý?
Thủ tướng Singapore sắp nhậm chức Lawrence Wong hôm 13/5 đã công bố danh sách cải tổ Nội các ngay trước thềm lễ nhậm chức vào ngày hôm nay (15/5).
Danh sách cải tổ chỉ có một số thay đổi về nhân sự chủ chốt. Trong đó, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong, 65 tuổi, sẽ trở thành Phó Thủ tướng, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore, trong khi tiếp tục nắm giữ vị trí người đứng đầu Bộ Thương mại và Công nghiệp. Ông Gan Kim Yong cũng sẽ là quyền Thủ tướng Singapore khi Thủ tướng vắng mặt, đồng thời phụ trách Nhóm Chiến lược trong Văn phòng Thủ tướng.
Sau khi chuyển giao quyền lực, cựu Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ tham gia Nội các với tư cách là Bộ trưởng cấp cao, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp. Ông Heng Swee Keat sẽ tiếp tục giữ chức vụ Phó Thủ tướng Singapore, trong khi vị trí bộ trưởng các bộ cũng không có thay đổi trong đợt cải tổ này. Ông Lawrence Wong tiếp tục kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính.
Như vậy, bên cạnh ông Gan Kim Yong, các nhà lãnh đạo chủ chốt khác thuộc thế hệ thứ ba như Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Hiển Long, Bộ trưởng cấp cao và Bộ trưởng Điều phối An ninh Quốc gia Teo Chee Hean và Bộ trưởng Luật và Nội vụ K. Shanmugam sẽ vẫn giữ các vị trí quan trọng trong Nội các.
Các nhà phân tích nhận định đây là một lựa chọn an toàn, đảm bảo tính kế thừa trong Nội các trong bối cảnh Singapore hướng tới tổ chức cuộc Tổng tuyển cử chậm nhất là vào tháng 11/2025. Lựa chọn này cũng cho thấy sự ổn định và tính liên tục về chính trị là ưu tiên hàng đầu của ông Lawrence Wong với nỗ lực duy trì cầu nối giữa các nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba và thứ tư của Singapore.
Những thuận lợi và áp lực đối với ông Lawrence Wong
Phó Thủ tướng Lawrence Wong, 51 tuổi, sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Singapore được sinh ra sau thời điểm quốc đảo giành độc lập vào năm 1965. Bên cạnh những thuận lợi, ông Lawrence Wong sẽ phải đối diện với những kỳ vọng và trọng trách lớn lao khi kế thừa di sản của những người tiền nhiệm.
Qua ba đời Thủ tướng trước đây, Singapore đã trở thành một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế Singapore tới ngưỡng trưởng thành, sẽ khó có thể kỳ vọng vào mức tăng trưởng theo cấp số nhân như trước đây. Tăng trưởng kinh tế cũng có tác dụng phụ là tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng và giá cả tăng cao.
Singapore đã liên tục giữ vị trí là thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong 11 năm qua. Giá nhà ở và chi phí sinh hoạt cao khiến cuộc sống trở nên khó khăn, đặc biệt đối với người cao tuổi. Nhiều người cao tuổi phải tiếp tục làm việc vì tiền tiết kiệm từ quỹ hưu trí không đủ trang trải cuộc sống.
Quốc đảo này cũng đang đối diện với tình trạng dân số già hóa, trong khi tỷ lệ sinh của đất nước đã giảm trong những thập kỷ gần đây, đạt mức thấp lịch sử là 0,97 vào năm 2023. Giới chuyên gia cảnh báo rằng lực lượng lao động nước này suy giảm do tỷ lệ sinh thấp sẽ gây khó khăn cho việc duy trì sức sống kinh tế và thu hút các công ty toàn cầu.
Chính phủ của tân Thủ tướng Lawrence Wong sẽ phải giải quyết những lo ngại về việc làm và chi phí sinh hoạt, đồng thời mang lại sự đảm bảo tốt hơn về an sinh xã hội cho các gia đình, người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương.
Nhiệm vụ của tân Thủ tướng là phải đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì sức sống nền kinh tế, nâng cao lòng tin và sự tín nhiệm của người dân, đặc biệt sau khi đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) ghi nhận sự ủng hộ giảm sút trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2020.
Bên cạnh đó, về đối ngoại, ông Lawrence Wong cần phải tiếp tục duy trì một cách cân bằng và tế nhị mối quan hệ kinh tế và hợp tác an ninh với các cường quốc như Trung Quốc và Mỹ, một nhiệm vụ tương tự như cựu Thủ tướng Lý Hiển Long, kiên trì với lập trường không chọn phe của Singapore.
Thời kỳ của “thế hệ lãnh đạo thứ tư”
Nội dung quan trọng đầu tiên trong chương trình nghị sự của ông Lawrence Wong là các vấn đề kinh tế và sinh kế, như tạo thêm nhiều việc làm và giảm chi phí sinh hoạt cho người dân Singapore, song song với đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội. Dù Singapore được xếp hạng là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất châu Á, đảo quốc Sư tử cũng là nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới.
Cùng với việc công bố Nội các mới, ông Lawrence Wong dự kiến sẽ xây dựng một tầm nhìn và kế hoạch cho Chính phủ mới, củng cố uy tín của Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền (PAP), và tạo dựng lòng tin của cử tri cho cuộc bầu cử quan trọng sắp tới. Việc xây dựng và bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo thứ năm cũng được cho là một trong nội dung ưu tiên của Singapore dưới thời của Lawrence Wong, giúp thế hệ lãnh đạo kế nhiệm sẵn sàng tiếp quản trong thập kỷ tới.
Một vấn đề khác cũng cần được lưu tâm trong chương trình nghị sự của tân chính phủ là vị trí toàn cầu của Singapore, đặc biệt trong môi trường địa chính trị thế giới nhiều biến động như hiện nay. Để duy trì quan hệ ngoại giao của Singapore cũng như giải quyết các thách thức đang nổi lên hiện nay, ông Lawrence Wong cần những chính sách ngoại giao mềm dẻo để củng cố các mối quan hệ hiện có và thúc đẩy các mối quan hệ mới. Tương tự những người tiền nhiệm, ông Lawrence Wong cần “một chặng đường dài” để tạo dựng dấu ấn với các nhà lãnh đạo thế giới, qua đó đảm bảo vai trò của Singapore trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Cuối cùng, tính tiếp nối và sự ổn định lãnh đạo từ lâu đã trở thành một trong những thế mạnh chủ yếu của Singapore, giúp quốc gia này trở thành thiên đường cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, do đó tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong được kỳ vọng sẽ tiếp tục truyền thống này, duy trì lợi ích cao nhất cho đất nước và người dân Singapore.