Rút dự luật dẫn độ, Hong Kong sẽ yên bình trở lại?

Google News

(Kiến Thức) - Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, sau cuộc biểu tình kéo dài gần 3 tháng qua. Liệu Hong Kong sẽ yên bình trở lại sau động thái nhượng bộ này của chính quyền?

Chiều 4/9, hãng thông tấn Reuters đưa tin, Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã thông báo chính thức rút lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, sau cuộc biểu tình kéo dài gần 3 tháng qua tại đặc khu này. 
"Trước hết, chính quyền sẽ chính thức rút lại dự luật để xóa tan mọi lo ngại của người dân. Người đứng đầu cơ quan an ninh sẽ thực hiện quyết định này theo Quy tắc Tố tụng khi Hội đồng Lập pháp làm việc trở lại", bà Lâm nói trong bài phát biểu được phát trên toàn bộ các kênh truyền hình ở Hong Kong lúc 17h50 ngày 4/9 (giờ địa phương).
Rut du luat dan do, Hong Kong se yen binh tro lai?
 Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam. Ảnh: Reuters. 
Phát biểu một ngày sau khi chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, Đặc khu trưởng Carrie Lam bày tỏ hy vọng rằng động thái nhượng bộ này cùng một số biện pháp khác sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua tại đây.
Nhà lãnh đạo Hong Kong cũng mong muốn chính quyền có thể sớm quay trở lại đối thoại với người dân sau khi dự luật dẫn độ bị rút bỏ.
Đây được coi là bước đi nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng leo thang ở Hong Kong thời gian qua. Tuy nhiên, theo The Guardian, nhiều người dân Hong Kong cho rằng động thái nhượng bộ còn “quá ít, quá muộn” và họ tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình.
Ngay cuối ngày 4/9, hàng chục người hô to và dựng rào chắn tạm thời bên ngoài một đồn cảnh sát ở quận Mong Kok. 
Rut du luat dan do, Hong Kong se yen binh tro lai?-Hinh-2
Cuộc biểu tình ở Hong Kong đã kéo dài suốt gần 3 tháng. Ảnh: Reuters. 
Được biết, rút lại dự luật chỉ là một trong 5 yêu sách của người biểu tình đối với chính quyền Hong Kong. Họ còn yêu cầu Trưởng đặc khu Carrie Lam phải từ chức, mở cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát sử dụng vũ lực đối với người biểu tình, đồng thời phóng thích những người biểu tình đang bị giam giữ,... 
Tuy nhiên, trong thông báo trên truyền hình ngày 4/9, nhà lãnh đạo Hong Kong không hoàn toàn chấp nhận một yêu cầu quan trọng khác, đó là mở cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát sử dụng vũ lực đối với người biểu tình. Thay vào đó, bà Lâm cho biết sẽ mời các nhà lãnh đạo cộng đồng và chuyên gia để kiểm tra các vấn đề trong xã hội.
Tại cuộc họp báo được tổ chức bên ngoài trụ sở Hội đồng Lập pháp, hai đại diện biểu tình khẳng định họ phải được đáp ứng toàn bộ “năm yêu cầu, không chừa cái nào”. Cuộc biểu tình ở Hong Kong sẽ không ngừng lại cho đến khi tất cả yêu cầu được đáp ứng.
Mới nhất, người biểu tình có thể vẫn xúc tiến kế hoạch biểu tình tại sân bay quốc tế Hong Kong vào cuối tuần này.

Mời độc giả xem thêm video về một cuộc biểu tình ở Hong Kong (Nguồn: CBSN)

Thiên An (T.H)

>> xem thêm

Bình luận(0)