Rác ngập mặt cũng không chịu dọn, người đàn ông bị cưỡng chế rời khỏi nhà

Google News

Hiện tượng những "căn hộ rác" (gomi yashiki) đang là vấn đề nhức nhối ở Nhật. Mới đây, do tích trữ quá nhiều rác, một người đàn ông bị chính quyền thành phố Nagoya cưỡng chế, yêu cầu rời khỏi nhà.

Liên quan đến "căn hộ rác" (gomi yashiki), ông Hideyuki Aizawa, 62 tuổi, dọn đến ở căn nhà hiện tại từ năm 2000 và có thói quen tích trữ rác trong nhà. Những đống rác chất đầy ở ban công cao đến nỗi chạm lên cả trần nhà.
Những người hàng xóm sống cạnh nhà Aizawa nhiều lần đệ đơn kiến nghị lên thành phố trình bày về vụ việc nhưng mặc cho những lời nhắc nhở của chính quyền, ông Aizawa cũng không dọn dẹp. Cho đến gần đây, khi họ phải trình đơn kiện lên tòa án, chính quyền thành phố Nagoya mới chính thức được cho phép can thiệp bằng các biện pháp cưỡng chế và cũng yêu cầu ông này rời khỏi nhà.
 Một “căn hộ rác” tại Nhật Bản. Ảnh: South China Morning Post
Fuji TV đã ghi lại được đoạn phim nhiều người công nhân thành phố bắt đầu thu dọn rác, túi nilon, thùng giấy ra khỏi căn hộ và tập kết trên vỉa hè. Các phóng viên ước tính sẽ phải mất đến 3 ngày để các công nhân có thể dọn dẹp hết đống rác khổng lồ trong căn hộ 180 m2 này.
Những căn nhà rác tại nhiều thành phố Nhật
Hiện tượng này không chỉ là vấn đề nhức nhối ở thành phố Nagoya. Năm ngoái, nhiều thành phố khác tại Nhật cũng đã nhận được đơn kiến nghị của người dân về những căn nhà rác, riêng phường Adachi đã có đến 31 trường hợp.
“Bây giờ thi thoảng tôi cũng nhìn thấy những căn nhà tương tự, nhưng 20 năm về trước thì chưa hề có. Ngay kể cả 10 năm trước, điều này cũng không phổ biến như bây giờ”, ông Makoto Watanabe, giảng viên môn Truyền thông và Giao tiếp tại Đại học Hokkaido Bunkyo nói. “Thông thường, những người sống trong điều kiện như vậy thường sống độc thân, tự tách mình khỏi xã hội hay một số khác thì mắc một số tổn thương về tinh thần và không muốn làm việc nhà nữa”.
Ông Watanabe nói thêm: “Ở Nhật, mọi người thường không can thiệp vào cuộc sống của người khác, thậm chí dù là thành viên trong gia đình. Bởi vậy, những đống rác cứ chất ngày một cao và tình hình thì trở nên tệ hơn”.
Theo ông, vấn đề này sẽ có thể càng nghiêm trọng hơn khi số người sống một mình ở Nhật đang ngày càng tăng.
Trên thực tế, một số thành phố tại Nhật đã ban hành những quy định pháp luật để giải quyết hiện tượng này do lo ngại về mỹ quan cũng như sự an toàn về tính mạng cũng như sức khỏe người dân.
Theo Hoàng Yến/Saostar

>> xem thêm

Bình luận(0)