Mối quan hệ giữa Anh và Nga đang rơi vào một nấc thang căng thẳng mới khi Anh ra “tối hậu thư”, cho thời hạn 2 ngày để Nga giải thích rõ về cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái của ông này. Mặc dù khẳng định sẽ không hành động nóng vội, nhưng phía Anh kiên quyết sẽ có phản ứng mạnh mẽ một khi có đủ bằng chứng cho thấy Nga dính líu tới vụ án.
|
Anh tích cực điều tra và thu thập chứng cứ tại hiện trường vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc. Ảnh: Reuters. |
Phía Anh vừa yêu cầu Nga đưa ra lời giải thích muộn nhất là vào cuối ngày 13/3 (theo giờ địa phương). Nếu Nga không có câu trả lời thỏa đáng, chính phủ Anh sẽ kết luận vụ tấn công có liên quan đến việc Nga sử dụng phương tiện bất hợp pháp chống lại Anh, khi đó Thủ tướng Anh Therasa May sẽ quay lại Hạ viện đề xuất đáp trả một cách mạnh mẽ và thích đáng.
Nhà lãnh đạo Anh có thể sẽ sớm công bố những biện pháp trừng phạt mà Chính phủ Xứ sở sương mù sẽ áp dụng đối với Nga, như việc trục xuất các nhà ngoại giao, điệp viên của Nga cũng như tiến hành các biện pháp trừng phạt tài chính mới chống Nga. Cùng với đó có thể là hủy thị thực của nhiều nhà tài phiệt được cho có quan hệ mật thiết với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tờ Thời báo dẫn nguồn tin từ các cơ quan đặc nhiệm đưa tin, Chính phủ Anh cũng có kế hoạch thảo luận với Mỹ và các đồng minh ở Châu Âu về khả năng tẩy chay World Cup 2018 tại Nga vào mùa hè này. Theo tờ báo, trong trường hợp tìm ra "dấu vết Nga" trong vụ án này, một phản ứng phối hợp bao gồm các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự sẽ được chính phủ Anh đưa ra. Ngoài Anh, một số nước khác như Ba Lan, Áo và Nhật Bản cũng có thể từ chối tham gia World Cup 2018.
Những cảnh báo về các hành động đáp trả mạnh mẽ này được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Anh Theresa May cho rằng "rất có thể" Nga là nước chịu trách nhiệm cho vụ việc. Bà cáo buộc cuộc tấn công là một hành động “khiêu chiến” trực tiếp của Nga đối với Anh, hoặc chính phủ Nga đã bất lực trong việc kiểm soát chất độc thần kinh, cho phép nó rơi vào tay những kẻ khác.
Phía Mỹ dường như tỏ ra tin tưởng vào đánh giá của Thủ tướng Anh, khẳng định sẽ đứng về phía chính phủ Anh trong suốt tiến trình làm sáng tỏ vụ việc. Người phát ngôn của chính phủ Mỹ Sarah Huckabee Sanders nói:
“Chúng tôi theo dõi sát sao và nghiêm túc vụ việc này. Việc sử dụng một tác nhân gây chết người trên đất Anh đã gây ra một sự phẫn nộ. Cuộc tấn công này là liều lĩnh và vô trách nhiệm. Chúng tôi lên án điều đó, đồng thời bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân cùng thân nhân của họ. Chúng tôi cam kết ủng hộ chính phủ Anh, sát cánh cùng đồng minh thân cận nhất của chúng tôi trong mối quan hệ đặc biệt mà hai bên đang có.”
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson khẳng định Mỹ đồng ý rằng những ai có trách nhiệm, từ kẻ tiến hành tội ác đến kẻ ra lệnh thực hiện, đều phải nhận lấy hậu quả nghiêm trọng tương xứng.
Về phía Nga, ngay lập tức phản bác cáo buộc của Anh, cho rằng lời buộc tội này chỉ là “vở kịch” và là sự khiêu khích của Anh, còn Đại sứ quán Nga tại London thì cho rằng Anh đang chơi “trò chơi nguy hiểm” khi dường như đã mặc định Nga dính líu tới vụ việc. Phía Nga đến nay vẫn cho rằng không thể lấy việc quân đội Nga sở hữu độc dược nguy hiểm Novichok làm cơ sở để khẳng định Nga đứng sau vụ việc ông Skripal và con gái đã bị đầu độc. Điện Kremlin khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với Anh để điều tra vụ việc.
Với những cáo buộc mạnh mẽ từ phía Anh cùng phản ứng đáp trả cũng khá gay gắt từ Nga cho thấy quan hệ hai bên không thể tránh khỏi những rạn nứt mới từ vụ việc gây căng thẳng vừa qua. Quan hệ Nga - Anh trước đó cũng không ít lần gặp sóng gió vì những vụ án đầy bí ẩn, với nạn nhân là cựu tình báo và doanh nhân Nga sinh sống tại Anh. Trong đó đáng chú ý là cái chết của cựu trung tá tình báo Alexander Litvinenko năm 2006, doanh nhân Alexander Perepilichny năm 2012 và tỉ phú Boris Berezovsky năm 2013.