Quả bom nợ Italy và tương lai EU hậu Brexit

Google News

Trong khi Brexit vẫn đang thu hút sự chú ý của thế giới, các nhà lãnh đạo EU đều biết đó không phải là vấn đề duy nhất của họ, thậm chí không phải là vấn đề lớn nhất.

Câu trả lời chính xác hơn là Italy, khi những gì diễn ra tại đất nước hình chiếc ủng đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của EUtương lai đồng tiền chung châu Âu.
Từ lâu kinh tế Italy đã gặp những vấn đề nghiêm trọng về năng lực cạnh tranh, điều khiến cho tăng trưởng GDP chậm và thậm chí chưa thể hồi phục sau khủng hoảng 2008.
Tỷ lệ nợ công của Italy chỉ cao thứ hai trong khu vực eurozone, đứng sau Hy Lạp. Và với kích thước nền kinh tế lớn hơn rất nhiều, các chuyên gia từ lâu cho rằng Italy mới là vấn đề nghiêm trọng nhất của EU. Brexit có thể diễn ra, nhưng nước Anh không dùng đồng euro, và nếu những gì diễn ra ở Hy Lạp tái diễn với Italy, thị trường tài chính châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mọi thứ càng tồi tệ hơn sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra tại Italy vào tháng 5 khi liên minh chính phủ dân túy đắc cử và họ đề xuất kế hoạch ngân sách với mức thâm hụt lớn, được đánh giá là sẽ khiến Italy gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết nợ công.
EU phản đối kế hoạch này, nhưng ngay từ đầu đây đã không phải là kế hoạch ngân sách thông thường, chính xác hơn thì nó là lời tuyên chiến của chính phủ mới ở Rome với Brussels. Chính phủ mới của Italy cho biết họ sẽ không thay đổi kế hoạch tăng chi tiêu công để có mức thâm hụt ngân sách lên tới 2,4% GDP.
Nếu vấn đề này không được giải quyết, Brussels có thể áp dụng hình phạt tương đương 0,2% GDP Italy và đóng băng hàng tỷ euro ngân quỹ cho nước này.
Tháng 10 vừa qua, Rome đã gửi lên EU bản dự thảo ngân sách năm 2019 của họ, trong đó xác định mức thâm hụt ngân sách sẽ lên tới 2,4% GDP.
Thập kỷ mất mát của kinh tế Italy
Vào năm 2008, khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản, khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề. Những nền kinh tế hàng đầu khu vực như Đức, Anh, Pháp và Italy đều ghi nhận sự sụt giảm GDP trong những năm tiếp theo.
10 năm đã trôi qua, khi Pháp, Đức, Anh hay thậm chí là Tây Ban Nha đều có hồi phục kinh tế như mong đợi thì kinh tế Italy lại không thể trở lại vậy.
Qua bom no Italy va tuong lai EU hau Brexit
 
Trên thực tế, GDP hiện tại của Italy đang kém 5% so với năm 2008, điều này cho thấy trong thập kỷ vừa qua, kinh tế nước này đã không có bất cứ tăng trưởng nào. Tỷ lệ thất nghiệp lớn hơn 10%, thậm chí con số này ở nhóm những người trẻ lên tới 40%.
Nhiều vấn đề được cho là nguyên nhân của tình trạng này, việc tăng trưởng chậm hoặc không tăng trưởng trong thời gian dài thường được gây ra bởi các nguyên tắc căn bản nào đó của nền kinh tế.
Một điều quan trọng để cạnh tranh thương mại trong thế kỷ 21 đó là cải thiện năng lực sản xuất, đây là khía cạnh mà các nước phát triển phương Tây thường có lợi thế trước các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Để cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc trong khi dân số đang già đi, các nước châu Âu đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và nghiên cứu để nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Nhưng điều đó không lại diễn ra ở Italy, năng suất làm việc ở quốc gia này trên thực tế không tăng nhiều với con số của những năm 1990. Tỷ lệ đầu tư vào các hoạt động R&D trên GDP của Italy luôn nằm trong top cuối của nhóm OECD.
Qua bom no Italy va tuong lai EU hau Brexit-Hinh-2
 
Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của đất nước hình chiếc ủng khi 95% công ty có ít hơn 10 nhân viên, nhưng bộ phận này lại không có khả năng đầu tư vào công nghệ để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của họ.
Trong khi đó chính phủ Italy từ lâu đã nổi tiếng khắp châu Âu về mức độ thiếu hiệu quả trong quản trị. Ai trong số chúng ta chắc hẳn đều có một lần nghe qua cậu chuyện cười về “Thiên đường và địa ngục ở châu Âu”, trong đó kết luận địa ngục là nơi cảnh sát là người Đức, đầu bếp là người Anh, các kỹ sư cơ khí là người Pháp, người tình đến từ Thụy Sĩ và tất cả mọi thứ được điều hành bởi người Italy.
Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện cười nhưng theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về chỉ số dễ dàng kinh doanh, Italy xếp hạng 111 thế giới về khả năng thực hiện hợp đồng.
Tham nhũng và quan liêu luôn trong môi trường kinh doanh khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, và cũng ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của các tập đoàn lớn. Vào năm 2005, tập đoàn khổng lồ IKEA của Thụy Điển từng có kế hoạch đầu tư 60 triệu euro để xây dựng một siêu thị nội thất ở Tuscany, nhưng đến năm 2011 họ vẫn chưa xin được giấy phép và đành rút lui.
Điều này dẫn đến một vùng tối khác của nền kinh tế, khi mafia và các hoạt động kinh tế ngầm được ước tính tạo ra lượng sản phẩm tương đương gần 20% GDP của Italy, dẫn đến việc chính phủ thiệt hại hơn 100 tỷ USD mỗi năm về thuế.
40% người trẻ ở Italy thất nghiệp
Thị trường lao động cũng không có gì triển vọng, khi có ít hơn 30% dân số trong độ tuổi 24-35 đạt trình độ đại học, đây là con số thấp nhất trong nhóm các quốc gia OECD. Cũng giống như Hy Lạp, thị trường lao động ở Italy được chia làm hai phần, một cho người trẻ và một cho người già.
Những người lớn tuổi được bảo vệ bởi các điều luật cứng nhắc khiến cho các công ty rất khó để sa thải họ. Những người trẻ thường chỉ còn lựa chọn với những công việc làm thêm ngắn hạn, điều này dẫn đến lực lượng lao động thiếu chuyên biệt và hiệu quả.
Không chỉ vậy, dân số Italy cũng đang già đi nhanh chóng kết hợp với tỷ lệ sinh giảm, điều này cũng diễn ra ở các nền kinh tế phát triển khác ở châu Âu. Để giải quyết vấn đề này, việc mở cửa cho người nhập cư là một trong những chính sách quan trọng.
Nhưng chính phủ mới thành lập và người dân Italy lại có suy nghĩ khác.
Đảng cực hữu lên nắm quyền
Ngày 4/3 đi vào lịch sử châu Âu với kết quả tổng tuyển cử đánh dấu chiến thắng tuyệt đối của các đảng dân túy, bài EU và chống chính thống tại Italy. Các đảng này thắng tổng cộng hơn 50% số phiếu, trong khi Đảng Dân chủ (PD) của cựu thủ tướng Matteo Renzi chịu thất bại lớn, xếp thứ 3 sau liên minh trung hữu do đảng cưc hữu Liên đoàn và đảng Five Star Movement thống trị.
Sau thất bại thảm hại, ông Renzi đệ đơn từ chức vào ngày 12/3. Khi mới nhậm chức và “gây bão” chính trường cách đây 5 năm, ông được ca ngợi là nhà lãnh đạo trẻ đầy hoài bão và có thể dẫn đầu thời đại phục hưng của cánh tả trên toàn lục địa. Tuy nhiên, từ chỗ thắng 41% lá phiếu cử tri Italy trong vòng bầu cử châu Âu 2014, đảng PD nhận kết quả khiêm tốn 19% trong tổng tuyển cử 4 năm sau, gánh trên vai trách nhiệm về kinh tế trì trệ, làn sóng tị nạn cùng sự chia rẽ ngày càng lớn giữa đảng và những người ủng hộ thuộc tầng lớp lao động.
Tư tưởng chống người tị nạn, bài EU, sự mất niềm tin vào các đảng chính trị truyền thống - tất cả những gì khiến ông Renzi rời chức lại giúp đưa các nhà lãnh đạo dân túy lên xây dựng một chính quyền liên minh chưa từng có tiền lệ. Ngày 31/5, lãnh đạo đảng Five Star Movement Luigi Di Maio và lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini thông báo đã đạt thỏa thuận thành lập chính quyền liên minh, đồng thời đề cử ông Giuseppe Conte, giáo sư luật, ứng viên tự do, làm thủ tướng.
Qua bom no Italy va tuong lai EU hau Brexit-Hinh-3
 
“Có lẽ cuối cùng chúng ta cũng thành công, sau nhiều chướng ngại, công kích, mối đe dọa và những lời dối trá”, ông Salvini đăng trên Facebook vài phút sau khi thông báo về thỏa thuận.
Kể từ khi chính phủ liên minh được thành lập, Salvini giữ nguyên lập trường cứng rắn đối với vấn đề di cư. Ngay trong những tuần đầu nhiệm sở, ông thẳng thừng từ chối cho tàu cứu nạn của các tổ chức phi chính phủ cập cảng và cáo buộc Brussels đã bỏ mặc nước này đương đầu với hàng trăm nghìn người di cư từ năm 2013. Trong 5 năm qua, Rome tiếp nhận khoảng 650.000 người tị nạn.
Không giống như các chính phủ trước đó của Italy, khi mà Rome luôn chỉ trích Brussels nhưng cuối cùng đều chịu nhượng bộ trước các chính sách tài khóa và sự chỉ đạo của EU, lãnh đạo mới của đất nước hình chiếc ủng hiểu rằng họ có ngày hôm nay bởi vì họ đã hứa với cử tri rằng sẽ cứng rắn với Brussels.
Hồi tháng 8, trong khi Ủy ban châu Âu nỗ lực làm trung gian để các nước EU đạt được một cơ chế giải quyết về lâu dài, thế giằng co EU – Italy trở nên tồi tệ khi Luigi Di Maio, phó thủ tướng Italy, cảnh báo Rome sẽ cắt viện trợ cho EU và tuyên bố: “Liên minh châu Âu đã quyết định quay lưng với Italy một lần nữa”.
“Chúng tôi không đấu tranh chống châu Âu mà là chống Liên minh châu Âu để cứu châu Âu. Kẻ thù của châu Âu là những kẻ được che chắn trong lô cốt Brussels”, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini tuyên bố hồi tháng 10.
Ông Salvini cũng liên tục gọi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Pierre Moscovici, cao ủy phụ trách kinh tế tại Ủy ban châu Âu, là thế lực phản diện đã “hủy hoại châu Âu và đất nước chúng tôi”.
Qua bom no Italy va tuong lai EU hau Brexit-Hinh-4
 
Thoạt nhìn, không có quá nhiều điểm giống nhau giữa hai phong trào M5S của Luigi Di Maio và La Liga của Matteo Salvini. M5S không có một ý thức hệ cụ thể nào về mặt chính trị, nhưng họ đã hứa sẽ gia tăng phúc lợi xã hội cho nhóm người trẻ thất nghiệp và bực bội ở phía nam Italy, nơi phong trào này nhận được sự ủng hộ.
Một trong những kế hoạch quan trọng của M5S và người đứng đầu Luigi Di Maio là việc chi 10 tỷ USD để cung cấp mức thu nhập cơ bản cho mọi người dân. Mỗi gia đình nghèo sẽ được chính phủ cấp 780 euro/tháng để phục vụ các nhu cầu cơ bản. Ông Di Maio tuyên bố: “Với kế hoạch này, chúng ta sẽ xóa bỏ sự nghèo đói!”.
Trong khi đó Phó thủ tướng Matteo Salvini đại diện cho một tầng lớp bảo thủ ở phía bắc, nơi tập trung những ngành công nghiệp sản xuất quan trọng của Italy. Phong trào La Liga của và ông Salvini được đánh giá là có tư tưởng thiên hữu, và bên cạnh việc bài nhập cư, La Liga cũng muốn hỗ trợ các tập đoàn và công ty lớn bằng việc giảm thuế.
Mức thuế thu nhập mới sẽ nằm trong khoảng 15-20% thay vì từ 23-43% trước đó, dự kiến việc này sẽ khiến chính phủ thất thu 50 tỷ USD. Bên cạnh đó chính phủ liên minh giữa M5S và La Liga cũng hứa sẽ từ bỏ kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu, bên cạnh việc cho phép người già nghỉ hưu sớm để tạo cơ hội làm việc cho người trẻ.
Chính phủ cũng có các biện pháp cắt giảm chi tiêu, nhưng điều này lại không xảy ra ở lĩnh vực mà Brussels muốn. Rome quyết định tạm hoãn kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa mới, trong bối cảnh EU đang cố gắng thúc giục các nước thành viên tăng chi tiêu cho NATO để làm hài lòng ông Trump.
Qua bom no Italy va tuong lai EU hau Brexit hinh anh 12
Trên lý thuyết thì Rome không vi phạm điều luật nào vì hạn mức thâm hụt ngân sách tối đa cho các nước khu vực đồng euro là 3% GDP. Nhưng 2,4% sẽ là mức thâm hụt cao gấp 3 lần so với những gì chính phủ trước của Italy cam kết với EU, khi nước này phải giải quyết hậu quả từ cuộc khủng hoảng nợ năm 2012.
Bộ trưởng Tài chính Italy Giovanni Tria cũng xác định mức thâm hụt này là quá cao, nhưng ông bảo vệ kế hoạch này và cho rằng nó sẽ kích thích phát triển kinh tế qua đó giảm tỷ lệ nợ công, bắt đầu từ năm 2020.
Nhưng các chuyên gia tài chính không đồng ý với ông Tria, một bản báo cáo khá tiêu cực của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã chỉ trích quá trình xây dựng ngân sách lộn xộn của liên minh chính phủ giữa M5S và La Liga. Kế hoạch cắt giảm thuế bị cho là thiếu rõ ràng và chi tiết, cùng với đó Fitch cũng chỉ ra hố ngăn cách giữa “chi phí cao để thực hiện cam kết của chính phủ và mục tiêu giảm nợ công”.
Ngay sau khi kế hoạch ngân sách 2019 của Italy được trình lên Brussels, một hãng xếp hạng tín nhiệm khác là Moody cũng đã hạ đánh giá quốc gia này từ mức “Baa2” xuống “Baa3”, mức cuối cùng trong danh mục “có thể đầu tư” của Moody.
Nhiều nhà bình luận cho rằng lý do chính khiến cho Italy không bị xếp hạng “rác” là vì niềm tin rằng Ngân hàng trung ương châu Âu ECB sẽ can thiệp nếu nước này vỡ nợ.
Qua bom no Italy va tuong lai EU hau Brexit hinh anh 13
Việc để thâm hụt ngân sách tương đương 2,4% GDP là không sai khi nó thấp hơn trần 3% của EU, nhưng Italy đang có một vấn đề khác đó là tỷ lệ nợ công của nước này, vốn đang ở mức hơn 130% GDP và là nước có tỷ lệ nợ công cao thứ hai trong khối chỉ đứng sau Hy Lạp.
Nợ công lớn không phải là một vấn đề gì mới với Italy, từ những năm 1990 nước này đã có khoản nợ nhiều hơn GDP, vào năm 1999, Italy bắt đầu sử dụng đồng euro, tỷ lệ nợ/GDP là 126%.
Điều khác biệt là vào những năm 1990, chính phủ Italy đã học cách giữ cho thâm hụt ngân sách không quá cao, nền kinh tế tăng trường chậm nhưng ổn định, điều này khiến cho việc trả nợ không quá khó khăn.
Nhưng mọi thứ bắt đầu tệ hơn từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế không tăng trưởng khiến lòng tin của các nhà đầu tư giảm đi, và việc vay tiền sẽ tốn kém hơn. Điều này khiến cho kế hoạch ngân sách mới của Italy sẽ khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn vì một lúc nào đó các nhà đầu tư sẽ không còn tin rằng Italy có thể trả nợ nữa, điều tương tự đã xảy ra với Hy Lạp vào năm 2010.
Là nền kinh tế lớn thứ 3 trong EU và có kích thước gấp 10 lần kinh tế Hy Lạp, sẽ không dễ để các nước EU đối phó với một cuộc khủng hoảng nợ ở Italy. Điều này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nặng nề đến đồng euro.
Qua bom no Italy va tuong lai EU hau Brexit hinh anh 14
Không mất nhiều thời gian để Brussels nhận ra rằng kế hoạch ngân sách của Italy không hẳn để phục vụ mục đích tăng trưởng kinh tế, mà là cách để đem lại những lợi nhuận chính trị cho các lãnh đạo mới đắc cử ở Rome.
Trong thông báo từ thành phố Strasbourg, Pháp, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách đồng euro, ông Valdis Dombrovskis, nói không còn phương án nào khác ngoài bác đề xuất hiện tại của Italy.
Ông Dombrovskis cảnh báo Italy có nguy cơ trở thành bẫy nợ và trong năm 2017, Rome cũng đã dùng một số tiền tương đương khoản chi cho giáo dục để trả nợ công. “Italy đang dùng nợ để cứu nợ. Tới lúc nào đó, nợ sẽ trở nên quá nặng”.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban châu Âu (EC) bác dự thảo ngân sách của nước thành viên. Tuy nhiên, trước những thúc giục thậm chí là đe dọa của Brussels, những nhà lãnh đạo tại Rome không hề lay chuyển.
“Ngân sách sẽ không thay đổi, dù về kế hoạch thanh toán hay về dự báo tăng trường, chúng tôi tin rằng bản dự thảo này là những gì đất nước cần để quay trở lại đúng hướng”, ông Luigi Di Maio phát biểu vào ngày 13/11.
Các lãnh đạo ở Brussels rơi vào một tình thế đau đầu, họ sẽ mất uy tín nếu không thể trừng phạt thành viên của khối, nhưng nếu đi quá giới hạn, họ sẽ vẽ lên bức tranh mà các lãnh đạo dân túy ở Rome muốn: coi Brussels là kẻ thù của người dân Italy. Tương lai của EU, trong bối cảnh Brexit đang diễn ra, sẽ tiếp tục bị đặt dấu hỏi nếu Brussels không thể xử lý êm đẹp cuộc khủng hoảng này.
Ngày 21/11, Liên minh châu Âu đã chính thức bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy, mở đường cho một loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có, đồng thời đẩy căng thẳng giữa Brussels và chính quyền Rome lên một nấc thang mới.
Phản ứng của chính phủ Italy không khác so với 10 ngày trước đó, họ cho biết sẽ tiếp tục không thay đổi kế hoạch của mình, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rai của Italy, ông Salvini tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không lùi lại, dù chỉ một bước".
Theo Quốc Thăng-Ngọc Hà/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)