|
Khalid Al Misslam qua đời khi đang công tác tại World Cup 2022. |
Thông tin nhà báo Khalid Al Misslam qua đời được xác nhận vào ngày Chủ nhật (11/12). Theo La Gazzetta, nguyên nhân của sự việc đau lòng chưa được tiết lộ.
Khalid Al Misslam là phóng viên ảnh của kênh Al Kass TV, Qatar. Mọi thông tin về cái chết của nhà báo này vẫn được chủ nhà giữ kín. Gulf Times, một hãng tin khác của Qatar, gửi lời chia buồn tới gia đình qua mạng xã hội.
Trước đó, Grant Wahl, nhà báo của Sports Illustrated, Fox Sports và CBS, đột ngột qua đời khi làm nhiệm vụ trong trận Argentina đối đầu Hà Lan tại tứ kết World Cup 2022 hôm 9/12.
Theo New York Times, Wahl nguy kịch trong khu vực báo chí của sân Lusail. Khi đó, trận đấu giữa Argentina và Hà Lan trôi đến những phút cuối. Anh được chuyển tới bệnh viện gần sân Lusail và qua đời tại đó.
|
Nhà báo Grant Wahl làm việc tại trung tâm truyền thông của FIFA trước trận đấu ngày 21/11. Ông đã qua đời tại khu vực dành cho báo chí tại sân vận động Lusail ở Qatar khi đang đưa tin về trận đấu Argentina - Hà Lan hôm 10/12. Ảnh: Doug Zimmerman/ISI. |
Trong thời gian đưa tin trận đấu World Cup 2022, Wahl nhiều lần cảm thấy không khỏe. Các nhân viên y tế thực hiện biện pháp hồi sinh tim và phương pháp khác để cứu Wahl trong 20 phút, trước khi anh được chuyển khỏi sân Lusail.
Làm việc quá sức nguy hiểm thế nào?
Theo Medical News Today, tháng 5/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại tình trạng kiệt sức là “hiện tượng nghề nghiệp” khi căng thẳng tại nơi làm việc của một người không được quản lý đúng cách. Đặc trưng của nó là người lao động cảm thấy kiệt sức, tiêu cực hoặc yếm thế trong công việc, giảm hiệu quả làm việc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hệ lụy của tình trạng làm việc quá sức, kiệt sức khi làm việc với sức khỏe, thậm chí tính mạng của người lao động.
Theo bà Iris Waichler, chuyên gia về xã hội lâm sàng, căng thẳng do làm việc quá sức làm tăng sản xuất hormone cortisol, từ đó tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Nó cũng có thể dẫn tới đau lưng, đau cổ, căng cơ nhiều hơn, MNT dẫn lời.
Một nghiên cứu năm 2018 phát hiện ngay cả tác nhân gây căng thẳng dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của một người. Do đó, tác động của việc tiếp xúc với căng thẳng mạn tính rất nghiêm trọng.
Theo báo cáo của WHO, hiện tượng tăng giờ làm trên toàn cầu là một trong những nguyên nhân gây ra cái chết của 745.000 người bị đột quỵ, thiếu máu cục bộ vào năm 2016, tăng 29% so với số liệu năm 2000.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những người làm việc từ 55 giờ trở lên một tuần có nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ cao hơn 17% so với những người làm việc 35-40 giờ một tuần.
Làm việc quá sức là vấn đề trên toàn thế giới, riêng giới chức ở các nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về hiện tượng này. Tiếng Nhật thậm chí còn có một thuật ngữ đặc biệt cho tình trạng nói trên - karoshi - có nghĩa là “chết vì làm việc quá sức”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy mối liên hệ giữa karoshi với một số mối vấn đề sức khỏe như đột quỵ, bệnh tim mạch. Họ cũng cho rằng làm việc đến kiệt sức dễ gây nhiều tình trạng đe dọa tính mạng khác như bệnh mạch máu não, tiểu đường, bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư, viêm khớp, bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp...
Để đảm bảo hiệu suất công việc cũng như giữ gìn sức khỏe, chúng ta nên lưu ý duy trì chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ nhóm chất (vitamin, protein, chất xơ, omega 3), bổ sung rau xanh, trái cây, thịt đỏ, các loại cá (cá hồi, cá ngừ), ngũ cốc nguyên hạt. Đặc biệt, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn bằng các hoạt động như nghe nhạc, đi bộ, tập yoga... Ngủ đủ giấc (6-8 giờ/ngày) nhằm giúp cơ thể và bộ não phục hồi nhanh nhất; hạn chế việc thức khuya làm tổn hại đến các dây thần kinh.