Địa điểm “nhạy cảm” của nước chủ nhà
Phụ nữ ở các quốc gia châu Á cũng đang bị đưa sang để cung cấp dịch vụ tình dục trong thời gian diễn ra SEA Games, khi cảnh sát đã giải cứu hơn 20 người từ nhiều địa điểm ở TP Angeles trong 10 ngày qua. Tuy nhiên, thông tin không đề cập đến việc giam giữ bất kỳ người đàn ông nước ngoài nào tại khu phố đèn đỏ, hoặc những đối tượng dẫn các cô gái chưa đủ tuổi tới khách sạn trong thời gian ngắn quanh thành phố.
Trong khi đó, khách nước ngoài đến đây tăng vọt vì đây là 1 trong 23 địa điểm diễn ra Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games). Tổng cộng có 8.750 vận động viên đến từ 11 quốc gia tham gia thi đấu trong 531 sự kiện trong suốt 12 ngày. Đáng chú ý, cả Angeles City và Subic Bay - cách Manila vài giờ xe chạy về phía Bắc, được coi là điểm đến của ngành du lịch tình dục vốn được những người đàn ông từ khắp nơi trên thế giới nhắm đến.
|
Một góc khu phố đèn đỏ ở thành phố Angeles, Philippines
|
Julianne (16 tuổi), đã bước vào “nghề” buôn bán tình dục của Philippines 2 năm trước. Cô kiếm được từ 40-80USD/tuần nhưng số tiền này được đưa thẳng về cho gia đình 6 người của cô. Chỉ có điều, quán bar nơi Julianne làm việc ở TP Angeles tuần nay vắng vẻ hơn bình thường. Người quản lý dọa sẽ phạt các tiếp viên như Julianne nếu không ra đường “kiếm khách” về.
Bà Yvette Coronel, Ban Thư ký của Liên minh liên ngành chống buôn người (IACAT), một đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp Philippines cho biết: “Lẽ ra chúng ta cũng nên cân nhắc tới tình trạng đối tượng phụ nữ và trẻ em dễ bị lạm dụng hơn khi khách du lịch đổ đến Angeles và Subic thời gian trước, trong và sau SEA Games”.
Không có khuyến nghị với khách du lịch
Năm 2018, tổ chức khu vực thuộc Liên minh Quyền trẻ em châu Á đã công khai kêu gọi Ban tổ chức Đại hội thể thao châu Á tại Jakarta, Indonesia thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em rộng rãi trước sự kiện này, bằng cách cung cấp số điện thoại tư vấn và đường dây nóng khẩn cấp cho khách du lịch về Luật Bảo vệ trẻ em Indonesia. Nhưng trước kỳ SEA Games này, không có cơ quan, tổ chức liên quan đưa ra chiến dịch tương tự. Đơn cử, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF trước đây đã hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật quốc tế để nâng cao nhận thức về buôn người trước các sự kiện như World Cup 2010 ở Nam Phi nhưng lần này không đưa ra khuyến nghị gì.
Reema (26 tuổi), nhân viên phục vụ trong quán bar do người Hàn Quốc làm chủ dọc theo dải khu giải trí chính của thành phố mong muốn quyền lợi của phụ nữ và trẻ em ở Angeles City được quan tâm hơn: “Rất tệ khi khách du lịch tới đây cứ nghĩ rằng với bất cứ cô gái nào người Philippines, người ta cũng có thể bỏ tiền ra “mua vui”.
Hoạt động mại dâm là bất hợp pháp ở Philippines và các cô gái không được phép làm việc trong quán bar nếu họ dưới 18 tuổi, nhưng các quy định rất dễ lách vì giấy khai sinh có thể thay đổi được. Đối với Julianne, mối đe dọa gia tăng trong kỳ SEA Games là có thể dự đoán được. “Tôi không mong mọi người giúp tôi. Tôi chỉ nghĩ rằng là phụ nữ ở đây luôn rất khó khăn”, Julianne nói.
(* Tên nhân vật đã được thay đổi)