Nhưng Tổng thống Philippines nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ không cắt lưới điện Philippines vì việc này gây tổn hại cho danh tiếng của Trung Quốc và vì nước này có cổ phần trong Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines (NGCP) – đơn vị vận hành hệ thống lưới điện Philippines kể từ năm 2009.
“Nếu Trung Quốc làm vậy (cắt điện lưới của Philippines), sẽ có tranh cãi. Tôi có thể không vượt qua được Trung Quốc nhưng tôi sẽ tranh cãi kịch liệt rồi đi nơi khác tìm kiếm sự giúp đỡ”, Tổng thống Duterte nói ngày 29/11. Tuy nhiên, trước khi đưa ra lời đe doạ như vậy, Tổng thống Duterte nói rằng, ông không nghĩ Trung Quốc sẽ ngắt nguồn cấp điện của Philippines như một báo cáo nội bộ dành cho các nghị sĩ Philippines cảnh báo.
Lưới điện của Philippines hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của Trung Quốc, có thể bị ngắt nếu xung đột xảy ra, theo một báo cáo nội bộ dành cho các nghị sĩ Philippines mà CNN xem được. Tập đoàn Lưới điện Nhà nước của Trung Quốc có 40% cổ phần trong NGCP. Các nghị sĩ Philippines đang kêu gọi khẩn cấp xem xét lại sự tham gia của Trung Quốc trong hệ thống điện lực Philippines, sau khi báo cáo nội bộ cho rằng, chỉ có các kĩ sư Trung Quốc mới có quyền truy cập các thành phần trọng yếu của hệ thống và trên lý thuyết, mạng lưới điện lực của Philippines có thể bị cắt từ xa theo lệnh của Bắc Kinh, CNN đưa tin ngày 26/11.
|
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Getty Images |
Philippines chưa từng ghi nhận vụ tấn công nào như vậy, cũng không có bằng chứng rằng Trung Quốc sắp ngắt mạng điện của Philippines. Sự can thiệp như vậy chỉ là có thể xảy ra trong tương lai về mặt lý thuyết.
Một cơ quan chính phủ của Philippines soạn thảo báo cáo này (mạng điện có thể bị Trung Quốc ngắt từ xa) và một nguồn tin cung cấp cho CNN với điều kiện ẩn danh. Báo cáo cảnh báo rằng, chính phủ Trung Quốc hiện nay “kiểm soát hoàn toàn” hệ thống điện lực Philippines và “hoàn toàn có khả năng gây gián đoạn hệ thống điện lực quốc gia”.“An ninh quốc gia của chúng ta hoàn toàn bị xâm hại do quyền kiểm soát và truy cập độc quyền của đối tác địa phương được chuyển cho chính phủ Trung Quốc”, báo cáo cảnh báo.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Tập đoàn Lưới điện nhà nước của Trung Quốc tham gia các dự án do Tập đoàn Lưới điện quốc gia của Philippines vận hành với tư cách là đối tác của các công ty địa phương”.
“Philippines là láng giềng và đối tác quan trọng của Trung Quốc. Chúng tôi ủng hộ các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở Philippines theo đúng các luật và quy định để hai bên cùng có lợi và thúc đẩy hợp tác cùng thắng. Chúng tôi hy vọng một số cá nhân ở Philippines xem xét hợp tác song phương với tư duy mở cùng thái độ khách quan, công bằng. Họ không nên quá lo lắng, hoặc dựng chuyện”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Theo bản báo cáo nội bộ mà CNN có được, công nghệ mà lưới điện Philippines dựa vào đã và đang được chuyển sang sử dụng các sản phẩm của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei. Theo báo cáo này, công nghệ, sản phẩm của Huawei “hoàn toàn độc quyền” và chỉ có kỹ sư Trung Quốc mới vận hành được.
Đặc biệt, báo cáo nội bộ cảnh báo rằng, hệ thống thu thập dữ liệu và kiểm soát giám sát (SCADA) dùng để theo dõi các trạm biến áp, máy biến áp và các thiết bị điện khác hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ Huawei. “Không có kỹ sư địa phương nào được đào tạo hoặc cấp chứng chỉ để vận hành hệ thống này”, báo cáo viết.
Huawei từ chối bình luận về vấn đề này nhưng công ty này bị nhiều nước cáo buộc hoặc nghi ngờ gây ra nguy cơ an ninh quốc gia. Mỹ đã cấm Huawei thiết lập mạng 5G ở Mỹ và thúc giục các đồng minh làm điều tương tự.
Theo báo cáo nội bộ, các hệ thống khác thuộc lưới điện quốc gia của Philippines cũng chủ yếu do các công ty Trung Quốc vận hành, bao gồm cáp ngầm dưới biển nối các trạm điện ở các đảo và các hệ thống kiểm soát chính. Một số hệ thống do kỹ sư ở Trung Quốc vận hành qua Internet.
Báo cáo miêu tả hệ thống “được vận hành bởi các công dân nước ngoài (Trung Quốc) ở mức độ truy cập tối quan trọng”, và “các hoạt động hệ thống trọng yếu hiện dưới quyền kiểm soát của các công dân nước ngoài ở trong nước (Philippines) và ở nước ngoài”. Báo cáo thúc giục các nhà làm luật trả quyền kiểm soát và giám sát các hệ thống điện lực trọng yếu cho chính phủ Philippines.
Một số thượng nghị sĩ cho rằng, việc Trung Quốc kiểm soát lưới điện Philippines không quá nghiêm trọng chừng nào Philippines không bị xâm lược. Nhưng những nghị sĩ khác thúc giục chính phủ hành động. “Rõ ràng có lo ngại an ninh quốc gia ở đây. Chúng ta đưa quyền điều khiển lưới điện của chúng ta cho một tập đoàn nước ngoài có quyền lợi xung đột với chúng ta ở biển Đông”, thượng nghị sĩ Richard Gordon nói.
Những năm gần đây, Trung Quốc quân sự hóa một số đảo, đá ngầm ở biển Đông nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm vùng biển quan trọng này. Năm 2016, tòa trọng tài quốc tế phán quyết rằng, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách quyền lịch sử đối với phần lớn diện tích biển Đông. Tòa bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dưới thời chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Manila gác lại phán quyết có lợi cho họ để làm thân với Bắc Kinh. Năm 2018, hai bên sơ bộ đồng ý hợp tác thăm dò dầu khí trên biển Đông.Sau chuyến thăm của ông Duterte tới Bắc Kinh hồi tháng 9, báo chí Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, hai nước có thể có “bước đi lớn hơn” trong việc cùng thăm dò dầu khí ngoài khơi.
Ông Duterte nói rằng, ông Tập đề nghị cho Philippines nắm cổ phần chi phối trong liên doanh nếu Manila đồng ý bỏ qua phán quyết năm 2016, theo CNN. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh từ chối bình luận trực tiếp về lời đề nghị này của ông Tập. Bà nói rằng, Philippines “sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về cùng khai thác dầu khí”, SCMP đưa tin.