Theo tiết lộ của Washington Post, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim đã được triệu tập dẫn đầu phái đoàn đến Triều Tiên ngày 27/5. Ông là cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc và từng tham gia đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.
Đi cùng ông Sung Kim là bà Allison Hooker, cố vấn về Triều Tiên của Hội đồng An ninh Quốc gia. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver, người từng tháp tùng Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng ngày 9/5, cũng góp mặt trong phái đoàn ngày 27/5.
|
Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim. Ảnh: Rappler. |
Các quan chức Mỹ đi qua biên giới liên Triều và đến Nhà Thống nhất, Tongilgak, trên phần lãnh thổ Triều Tiên. Đây là địa điểm tổ chức cuộc gặp đột xuất giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 26/5.
Phái đoàn của ông Sung Kim được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đón tiếp. Bà Choe tuần trước đã công kích Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và cảnh báo Bình Nhưỡng "đang cân nhắc lại" cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo 2 nước. Cả ông Kim và bà Choe đều tham gia đàm phán hạt nhân 6 bên năm 2005.
Các cuộc thảo luận sẽ kéo dài đến ngày 29/5, Washington Post dẫn nguồn tin giấu tên cho biết. Phái đoàn Mỹ sẽ tập trung vào nội dung ông Trump và ông Kim có thể đề cập trong trường hợp thượng đỉnh diễn ra.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui . Ảnh: Reuters. |
Một phái đoàn khác của Nhà Trắng, do Phó Chánh văn phòng Joe Hagin dẫn đầu, đang phối hợp làm việc cùng ông Kim Chang Son, trợ lý hàng đầu của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận ông Kim có mặt tại Bắc Kinh từ ngày 24-26/5.
Số phận của thượng đỉnh Mỹ - Triều thay đổi chóng mặt trong vài ngày qua. Ngày 25/5, chỉ 1 ngày sau khi Nhà Trắng công bố bức thư thông báo hủy cuộc gặp lịch sử, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tuyên bố vẫn có khả năng gặp mặt ông Kim Jong Un tại Singapore ngày 12/6.
Ngày 26/5, ông Kim và ông Moon có cuộc gặp bất ngờ tại khu vực phi quân sự (DMZ) trong nỗ lực nối lại thượng đỉnh Mỹ - Triều. Lãnh đạo hai miền Triều Tiên nhất trí gặp nhau thường xuyên, chung tay nỗ lực để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, theo hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA. Ông Kim cũng nhấn mạnh quyết tâm tổ chức thành công thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Hãng tin AP nhận định, Bình Nhưỡng có vẻ đã thay đổi thái độ và dịu giọng sau lá thư "tạm thời chia tay" của ông Trump. Điều đó cho thấy ông Kim Jong Un và giới lãnh đạo Bình Nhưỡng vẫn rất muốn cuộc gặp với ông Trump diễn ra sớm nhất có thể.