Ông Zelensky muốn đối thoại với Tổng thống Putin

Google News

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 12/5 cho biết, bản thân ông đã sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

“Chúng ta phải tìm được một thỏa thuận, với điều kiện không có tối hậu thư. Ukraine sẽ không bao giờ công nhận Crưm là một phần của Nga. Crưm luôn có quyền tự trị và nghị viện riêng, nhưng thuộc Ukraine”, ông Zelensky nói với kênh truyền hình RAI state TV của Italia đêm 12/5.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

“Chúng tôi muốn quân đội Nga rời khỏi Ukraine, chúng tôi không muốn lãnh thổ Nga. Chúng tôi sẽ không chiều lòng ông Putin bằng việc cắt phần lãnh thổ của đất nước mình. Điều đó sẽ không công bằng”, ông Zelensky nói thêm.

Ukraine tuyên bố tấn công tàu Nga

Theo quan chức Serhiy Bratchuk của Ukraine, quân đội nước này đã gây thiệt hại cho tàu hậu cần Vsevolod Bobrov thuộc biên chế Hải quân Nga ở Biển Đen. “Tàu Vsevolod Bobrov đã bị tấn công ở gần Đảo Rắn”, hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Bratchuk nói trong video đăng tải trên mạng Telegram đêm 12/5.

Hiện Al Jazeera và nhiều hãng thông tấn khác chưa thể xác minh tuyên bố trên của quan chức Ukraine.

Nhóm G7 họp bàn về chiến sự Ukraine

Tờ Alarabiya cho biết, quan chức ngoại giao hàng đầu của những quốc gia thuộc nhóm G7, gồm các nước Mỹ, Canada, Anh, Đức, Italia, Pháp và Nhật Bản, hôm 12/5 đã tụ họp ở Đức để thảo luận về tình hình chiến sự Ukraine, an ninh năng lượng và lương thực, quan hệ với Trung Quốc và biến đổi khí hậu.

Do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang trong thời gian điều trị Covid-19, nên Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland thay mặt ông dự hội nghị lần này.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Moldova Nicu Popescu cũng góp mặt trong hội nghị lần này. Trong khi đó, bà Retno Marsudi, Ngoại trưởng của Indonesia, nước đang giữ ghế chủ tịch nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) sẽ tham gia vào chương trình nghị sự về những tác động toàn cầu của cuộc chiến ở Ukraine.

Theo tờ Alarabiya, cuộc họp diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Weissenhaus thuộc khu vực đông bắc thành phố Hamburg, và chính quyền Đức đã phải điều động khoảng 3.500 cảnh sát tới đây để đảm bảo an ninh cho hội nghị.

Rộ tin Nga sẽ dừng cấp khí đốt cho Phần Lan

Một số chính trị gia giấu tên trong cuộc phỏng vấn với tờ Iltalehti của Phần Lan hôm 12/5 cảnh báo rằng, chính quyền Nga sẽ ngừng việc cung cấp khí đốt cho nước này vào ngày hôm nay (13/5) để trả đũa việc chính quyền Helsinki tuyên bố muốn gia nhập NATO.

“Nếu nguồn khí đốt từ Nga bị cắt, thì điều này sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho một số ngành công nghiệp của Phần Lan, cũng như việc sản xuất thực phẩm”, tờ Iltalehti dẫn lời những chính trị gia giấu tên nói.

Theo tờ Independent của Anh, Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 12/5 đã cảnh báo rằng nước này “sẽ buộc phải thực hiện những bước trả đũa, cả về bản chất quân sự-kỹ thuật và nhiều yếu tố khác, để ngăn chặn những mối đe dọa tới an ninh quốc gia Nga đang nổi lên”.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó nhận định rằng, Phần Lan đã “thực hiện những bước đi thiếu thân thiện” nhằm vào Nga. “Mọi thứ (những đòn đáp trả) sẽ tùy thuộc vào quá trình gia nhập diễn ra thế nào, hay cơ sở hạ tầng quân sự sẽ tiến gần tới biên giới của chúng tôi ra sao”, ông Peskov nói.

Ở một diễn biến khác, giới chức Nhà Trắng hôm 12/5 tuyên bố Mỹ ủng hộ bất kỳ động thái gia nhập NATO nào tới từ Phần Lan và Thụy Điển. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ việc gia nhập khối quân sự NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Chúng tôi sẽ tôn trọng bất kỳ quyết định nào được họ đưa ra”, Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki nói với cánh báo giới.

Ông Putin nói các đòn trừng phạt khơi mào khủng hoảng kinh tế toàn cầu

“Chính phủ các quốc gia phương Tây bị thúc đẩy bởi tham vọng chính trị quá lớn và chứng sợ Nga, do vậy đã đưa ra các đòn trừng phạt và gây những tổn hại tới kinh tế của chính họ cùng phúc lợi của người dân những nước đó”, hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hôm 12/5.

“Chính những đòn trừng phạt đã khơi mào cho cuộc khủng hoảng toàn cầu và dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với Liên minh châu Âu (EU), cũng như đẩy những quốc gia nghèo đói nhất trên thế giới đối mặt với nguy cơ chết đói”, ông Putin nói thêm.

Theo ông chủ Điện Kremlin, nền kinh tế Nga “đã thành công trong việc trụ vững trước những đòn trừng phạt từ phương Tây, và các công ty Nga sẽ lấp đầy khoảng trống được nhiều doanh nghiệp phương Tây để lại”. “Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát đã tăng mạnh ở châu Âu. Ở một số quốc gia, lạm phát đạt mức 20%”, ông Putin khẳng định.

 
Theo Tuấn Trần/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)