Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/3 đã kêu gọi từ bỏ quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga và tiếp tục cấm thêm một số mặt hàng khác nhập khẩu từ nước này. Động thái này nhằm tiếp tục gây sức ép kinh tế đối với Nga do đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 11/3, Tổng thống Biden cho biết Mỹ và các nước G7 sẽ tiến tới thu hồi quy chế tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Nga. Quy chế này được biết đến với tên gọi quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn ở Mỹ. Theo Tổng thống Biden, điều này sẽ buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm về hành động quân sự ở Ukraine.
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Nguồn: miamistandard.news)
|
“Chấm dứt quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong giao thương với Mỹ. Việc Mỹ phối hợp thực hiện cùng với các nước khác, những nước chiếm tới một nửa kinh tế toàn cầu sẽ giáng một đòn mạnh khác tới nền kinh tế Nga vốn đang phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ các lệnh trừng phạt. Với sự ủng hộ của lưỡng đảng, tôi mong sẽ sớm ký thành luật dự luật chấm dứt quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga”, Tổng thống Joe Biden nêu rõ.
Theo luật định, đề nghị của Chính quyền Tổng thống Biden chấm dứt qui chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn với Nga cần phải được Quốc hội Mỹ xem xét. Hiện đã có nhiều nghị sỹ thuộc cả hai đảng trong quốc hội Mỹ đã bày tỏ ủng hộ vấn đề này.
Theo Tổng thống Biden, Mỹ và các nước G7 cũng sẽ cấm nhập khẩu hàng hóa từ nhiều ngành quan trọng của nền kinh tế Nga bao gồm hải sản, rượu Vodka và kim cương. Ngoài ra, Mỹ cùng các nước G7 cũng sẽ tìm cách ngăn cản Nga vay tài chính từ các tổ chức đa quốc gia hàng đầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Tổng thống Biden cho biết Mỹ cũng bổ sung thêm danh sách trừng phạt các nhà tài phiệt Nga, đồng thời cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga bao gồm thuốc lá, quần áo, đồ trang sức, xe ô tô và đồ cổ.
Cùng ngày, lãnh đạo các nước G7 đã ra tuyên bố chung về các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga nhằm cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính quốc tế. Các biện pháp này bao gồm từ bỏ quy chế tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Nga, ngăn cản Nga vay tài chính từ các tổ chức tài chính đa phương; trừng phạt giới tinh hoa và tài phiệt Nga, ngăn chặn các âm mưu của Nga nhằm phát tán thông tin sai lệch, và hạn chế xuất-nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ chủ chốt cho Nga.