Theo The Sun, "quái vật" khồng lồ ở đây là núi rác cực lớn nằm ngay tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Báo cáo cho biết núi rác khổng lồ chiếm trọn khu vực có diện tích bằng 40 sân bóng đá và cao khoảng 65m.
Núi rác bốc mùi hôi thối và là nơi trú ngụ của hàng trăm còn bò, chó hoang và chuột.
Nếu tiếp tục với tốc độ phát triển như hiện tại (10m/năm), núi rác sẽ cao hơn cả đền Taj Mahal, biểu tượng cao gần 73m của Ấn Độ, trong thời gian ngắn.
|
Núi rác khổng lồ ở New Delhi sắp cao hơn đền Taj Mahal. |
Năm ngoái, tòa án tối cao Ấn Độ cảnh báo chính quyền thành phố sẽ phải lắp thêm các đèn màu đỏ để cảnh báo cho máy bay di chuyển qua khu vực này.
Theo các nguồn tin ở New Delhi, mỗi ngày bãi rác khổng lồ phải tiếp nhận thêm 2.000 tấn rác thải.
"Núi rác biến cuộc sống chúng tôi thành địa ngục"
Năm 2018, hai người thiệt mạng do một phần bãi rác đổ sụp trong mưa lớn. Nhiều người cho rằng khí độc và chất lỏng chảy ra từ núi rác sẽ làm ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Các đám cháy phát sinh do khí metan cũng thường xuyên bùng phát và mất nhiều thời gian, công sức để dập tắt.
Người dân xung quanh phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc mỗi ngày. "Mùi độc hại từ bãi rác khổng lồ biến cuộc sống của chúng tôi thành địa ngục. Lúc nào cũng có người đau ốm", Times of India dẫn lời Puneet Sharma, người dân sống cạnh bãi rác, cho hay.
Thủ đô ô nhiễm nhất thế giới
Kumud Gupta, bác sĩ địa phương, cho biết cô chứng kiến 70 người gồm cả trẻ em mỗi ngày mắc các bệnh về đường hô hấp và dạ dày do ô nhiễm không khí gây ra.
Một cuộc khảo sát của chính phủ Ấn Độ thực hiện vào giai đoạn 2013-2017 cho thấy 981 trường hợp tử vong ở New Delhi tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính trong khi hơn 1,7 triệu người khác bị lây nhiễm các bệnh tương tự.
|
Cảnh tượng đầy ám ảnh tại núi rác khổng lồ. |
Một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty AirVisual và tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace cho biết 7/10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ. Trong đó, New Delhi được xếp hạng là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi động chiến dịch Clean India khi ông lên nắm quyền năm 2014. Kể từ đó, hàng chục nhà vệ sinh công cộng được xây dựng và nhiều quy tắc quản lý chất thải được công bố.
Đầu năm 2019, Ấn Độ cấm nhập khẩu nhựa phế thải nhằm thu hẹp khoảng cách giữa rác thải phát sinh và rác thải tái chế. Chính phủ cũng cam kết loại bỏ hoàn toàn các loại nhựa dùng một lần vào năm 2022.