Có thể nói, hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên là ước nguyện từ lâu của người dân liên Triều, kể từ sau khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 với một hiệp định ngừng bắn được ký kết.
Trong suốt hàng chục năm qua, bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên vẫn luôn căng thẳng bởi mối quan hệ thù địch giữa hai miền, bất đồng tồn tại, ám ảnh chiến tranh cùng các vụ thử tên lửa-hạt nhân liên tục của Bình Nhưỡng.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra vào ngày mai (12/6) một lần nữa lóe lên hy vọng cho người dân Hàn-Triều về một bán đảo Triều Tiên thống nhất, nếu Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đạt được hiệp định hoà bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
|
Tổng thống Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty. |
Lee Hye-ji, bà nội trợ 31 tuổi, đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim.
“Tôi quan tâm đến tuyên bố Chiến tranh Triều Tiên kết thúc hơn là việc giải trừ vũ khí hạt nhân (của Bình Nhưỡng). Điều này sẽ giúp chúng tôi tiến thêm một bước gần hơn tới thống nhất”, NDTV dẫn chia sẻ của cô Lee.
Cho Sung-kwon, một công dân Hàn 62 tuổi đã về hưu, nói thêm: “Thật là một điều đáng mừng nếu hai miền Triều Tiên chấm dứt chiến tranh. Tôi có cái nhìn tích cực hơn đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau hai cuộc gặp thượng đỉnh của ông ấy với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm hồi tháng 4 và 5/2018”.
Cũng theo ông Cho Sungkwon, Triều Tiên sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân bởi vì họ hiểu rằng không có sự lựa chọn thay thế nào khác.
“Hàn Quốc sẽ hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên. Thật tuyệt vời nếu chúng tôi được thống nhất”, ông Cho nói.
|
Triều Tiên sẽ chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân? Ảnh: Reuters. |
Người dân Hàn Quốc cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau về cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Trong khi một số lạc quan bày tỏ hy vọng rằng quá trình hội đàm sẽ mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên thì cũng không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi.
“Tôi không kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh”, Lee Eun-ho, 70 tuổi, nói.
Choi Ho-chul, cựu nhân viên ngân hàng 73 tuổi, cho biết ông không tin Triều Tiên sẽ chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân. “Tôi dám cược là Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh của họ có thể sẽ sử dụng chính sách ‘cây gậy và củ cà rốt’ để buộc Bình Nhưỡng làm điều đó”, Choi nói.
Mời độc giả xem video: Tổng thống Trump tới Singapore dự Thượng đỉnh Mỹ-Triều (Nguồn: Daily Mail)
Kim Jae-hak, một sinh viên tốt nghiệp của Hàn Quốc, chia sẻ: "Kết quả lý tưởng của cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ là một tuyên bố chính thức về chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên, tiếp đó là việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên".
Việc đạt được thỏa thuận hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên cũng mở ra hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình Triều Tiên và Hàn Quốc đang chịu cảnh biệt ly sau cuộc chiến 65 về trước.
Còn đối với nhiều người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, họ vẫn luôn trong mình một khao khát cháy bỏng là được trở về quê nhà. Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều kết thúc hồi cuối tháng 4/2018 đã mở ra hy vọng cho những người Triều Tiên đào tẩu về ngày đoàn tụ với gia đình ở quê nhà.
Mong ước bấy lâu nay của họ có lẽ sẽ càng gần đến ngày trở thành hiện thực hơn nếu thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công tốt đẹp.