Nghịch cảnh của các bé gái Afghanistan dưới chế độ Taliban

Google News

Từ khi Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8/2021, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan bị áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt. Thậm chí, họ còn bị tước đi cả một số quyền tự do cơ bản nhất.

Nữ giới bị cấm tiếp cận giáo dục
Ngày 20/12/2022, Bộ Giáo dục Đại học của Chính phủ Taliban đã ra thông báo cấm nữ giới Afghanistan theo học tại các trường đại học công lập và tư thục “cho đến khi có thông báo mới”.
Chỉ sau đó 1 ngày, Taliban lại ban hành lệnh cấm các bé gái Afghanistan học tiểu học. Như vậy, cùng với lệnh cấm nữ giới theo học đại học ban hành trước đó một ngày, Taliban đã thực hiện lệnh cấm hoàn toàn việc giáo dục cho nữ giới tại quốc gia Tây Nam Á này.
Trong cuộc họp ở Kabul, với sự tham gia của các giám đốc trường tư thục, giáo sĩ và đại diện cộng đồng, Taliban cho biết lệnh cấm cũng áp dụng với nhân viên nữ, bao gồm cả giáo viên, làm việc trong trường học. Theo những người tham gia cuộc họp, với lệnh cấm mới, phụ nữ trưởng thành cũng không còn được đến các thánh đường Hồi giáo hoặc tham dự các hội thảo tôn giáo. Tuy nhiên, lệnh cấm trẻ em gái đến trường chỉ là tạm thời.
Nghich canh cua cac be gai Afghanistan duoi che do Taliban
Dưới chế độ Taliban, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan bị tước đi cả những quyền tự do cơ bản nhất. Ảnh: AP. 
Quyết định trên được đưa ra chưa đầy 3 tháng kể từ khi hàng nghìn học sinh nữ ở Afghanistan tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, trong đó nhiều người chọn ngành sư phạm và y học. Các trường đại học nước này đang trong kỳ nghỉ Đông và sẽ mở lại vào tháng 3/2023.
Phản ứng trước động thái trên, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), trưởng phái bộ LHQ tại Afghanistan, bà Roza Otunbayeva đã bày tỏ thất vọng về lệnh cấm của chính quyền Taliban. Bà cho rằng điều này sẽ không chỉ gây tổn hại đối với nữ giới mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước Afghanistan.
Bà Roza Otunbayeva nhấn mạnh nhiều trẻ em gái Afghanistan mất cơ hội học tập kể từ khi Taliban đóng cửa các trường trung học cho nữ sinh từ tháng 3 năm nay và nay lại quyết định cấm phụ nữ học đại học. Bà bày tỏ "rất tiếc vì Taliban dường như không nghĩ đến tương lai của Afghanistan, cũng như cách phụ nữ có thể đóng góp cho các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và văn hóa".
Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác cũng đã lên tiếng phản đối quyết định cấm giáo dục đại học đối với nữ giới mà Taliban đưa ra.
Nữ giới Afghanistan bị hạn chế nhiều quyền tự do cơ bản nhất
Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan từ tháng 8/2021. Dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996 - 2001, nhưng Taliban vẫn đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ. Hầu hết các trường cấp hai cho nữ sinh vẫn phải đóng cửa, trong khi nữ giới không được đảm nhận các vị trí trong chính phủ và bị cấm ra nước ngoài, thậm chí không được đi lại giữa các thành phố trừ khi đi cùng một người thân là nam giới.
Nữ giới ở Afghanistan cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về trang phục như trùm đầu và che kín mặt khi ra đường. Theo sắc lệnh do thủ lĩnh tối cao Taliban ban hành, trang phục phù hợp nhất để phụ nữ Afghanistan che kín mặt và cơ thể là khăn choàng Burqa màu xanh lam bao phủ toàn bộ vùng đầu và vai. Loại khăn này từng được coi là biểu tượng của giai đoạn cầm quyền hà khắc đầu tiên của Taliban từ năm 1996 đến năm 2001. Sắc lệnh cũng nêu rõ, nếu phụ nữ không có lý do gì để ra ngoài thì họ nên ở nhà.
Nghich canh cua cac be gai Afghanistan duoi che do Taliban-Hinh-2
Phụ nữ Afghanistan phải trùm đầu và che kín mặt khi ra đường. Ảnh: AP. 
Ngày 27/3/2022, giới chức hàng không Afghanistan cho biết, chính quyền Taliban đã ra lệnh cho các hãng hàng không nước này không cho phụ nữ lên máy bay trừ khi có người thân là nam giới đi cùng.
Từ tháng 5/2022, họ ra lệnh cho phụ nữ Afghanistan phải đội khăn trùm đầu Hồi giáo, burqa hoặc bất kỳ loại khăn trùm đầu nào khác để che mặt, giống như các luật lệ của triều đại Taliban đầu tiên (1996-2001).
Từ tháng 11/2022, phụ nữ còn bị cấm đến công viên, phòng tập thể thao và nhà tắm công cộng.
Thế giới lên án
Cộng đồng quốc tế lên án những hạn chế của Taliban đối với giáo dục-đào tạo và việc làm của nữ giới ở Afghanistan. Liên hợp quốc gọi đây là "chế độ phân biệt Apartheid dựa trên giới tính".
Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán về viện trợ và sự công nhận của chính quyền Taliban. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài nhấn mạnh Taliban cần thay đổi chính sách với nữ giới để có cơ hội được công nhận chính thức và giảm bớt sự cô lập kinh tế.
Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi có tới 28,3 triệu người (tương đương 2/3 dân số) cần được hỗ trợ để tồn tại. Theo Liên hợp quốc, gần 1/4 số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)