Trong cuộc họp của Đảng nước Nga Thống nhất cầm quyền ngày 26/12, các quan chức Nga đã đề cập tới kịch bản đương kim Tổng thống Putin có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước khi giới hạn nhiệm kỳ theo qui định hiện nay chấm dứt.
Tháng 3/2018, ông Putin đã được bầu lại làm Tổng thống Liên bang Nga thêm một nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Hiến pháp nước này không cho phép Tổng thống Putin tái tranh cử vào năm 2024, thời điểm nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của ông kết thúc. Tuy nhiên, giới chức Nga đã bóng gió nói rằng Tổng thống Putin, người đã lãnh đạo nước Nga trong gần 2 thập kỷ, có thể sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục nắm giữ quyền lực.
|
Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: NDTV |
Theo văn bản ghi nội dung cuộc họp mà Bloomberg có được, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin đã nói với Tổng thống Putin rằng: “Đang có những câu hỏi trong xã hội. Giờ là thời điểm chúng ta có thể trả lời những thắc mắc này, mà không hề đe dọa các điều khoản cơ bản của Hiến pháp… Luật pháp, thậm chí một văn kiện như Hiến pháp (Luật Cơ bản), không phải là giáo điều”.
Ông Volodin đồng thời cho rằng Hiến pháp hiện hành của Nga đã được xây dựng từ 25 năm trước, và dịp kỷ niệm 1/4 thế kỷ áp dụng có lẽ là thời điểm thích hợp để đánh giá lại các điều khoản của văn kiện này. Chủ tịch Hạ viện Volodin đề xuất các thẩm phán Tòa án Hiến pháp và các chuyên gia pháp lý tham gia đánh giá “làm thế nào Hiến pháp và các qui tắc xây dựng Hiến pháp phù hợp với các nguyên tắc đã được thông qua”.
Tổng thống Putin thận trọng
Biên bản cuộc họp với Đảng nước Nga Thống nhất không đề cập tới phản ứng của Tổng thống Putin trước đề xuất của ông Volodin. Trả lời câu hỏi của báo giới, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 26/12 cũng từ chối bình luận về vấn đề này. Song giới phân tích nhận định việc sửa đổi Hiến pháp Nga sẽ dễ dàng được thông qua, nếu như ông Putin ủng hộ.
Phát biểu với báo giới sau khi tái đắc cử tổng thống hồi tháng 3, ông Putin nói: “Tại thời điểm này, tôi không có kế hoạch cải cách Hiến pháp… Tôi sẽ làm gì, sẽ cầm quyền tới năm 100 tuổi hay sao? Không, tôi không có ý định đó”.
Tuy nhiên, những đồn đoán về khả năng sửa Hiến pháp xuất hiện ngày một nhiều. Đầu tháng này, Tổng thống Putin nói Hiến pháp “không phải là cấu trúc pháp lý hóa thạch, mà là một cơ cấu sống động và liên tục phát triển”. Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên hồi tuần trước, nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng mọi thay đổi Hiến pháp là vấn đề cần được người dân cho ý kiến.
|
Tổng thống Putin phát biểu sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 4. Ảnh: RT |
Giới hạn nhiệm kỳ
Tổng thống Vladimir Putin năm nay 66 tuổi và có sức khỏe tốt. Nhà phân tích chính trị Valery Solovei tại Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moskva đánh giá: “Cảm nhận chung là không có ai có thể thay thế Tổng thống Putin trên cương vị người bảo vệ chế độ. Không có ứng cử viên chính trị tiềm tàng nào có thể đảm bảo sự ngưỡng mộ trong nhân dân. Do đó, lựa chọn tốt nhất có lẽ là thay đổi cấu trúc để đảm bảo ông Putin vẫn ở vị trí trung tâm trong quá trình đưa ra các quyết sách”.
Theo ông Solovei, một khả năng nữa đó là Nga nâng cấp một cơ quan cố vấn gọi là Hội đồng Nhà nước thành một cơ quan quyền lực tối cao do ông Putin đứng đầu. Chuyên gia này cho rằng quá trình sửa đổi Hiến pháp có thể bắt đầu vào năm 2020.
Trong cuộc bầu cử ngày 18/3/2018, Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin đã nhận được 76,66% số phiếu ủng hộ, qua đó giành chiến thắng áp đảo và tiếp tục lãnh đạo nước Nga trên cương vị tổng thống tới năm 2024.
Song nếu không sửa đổi Hiến pháp, ông Putin sẽ không được phép tranh cử vào năm 2024 do đã làm tổng thống 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Tuy nhiên, ông hoàn toàn có thể tái tranh cử tổng thống vào năm 2030 do luật không cấm các cựu tổng thống tranh cử. Bản thân ông Putin cũng từng làm điều này khi giữ chức vụ Thủ tướng Liên bang Nga giai đoạn 2008-2012, trong khi ông Dmitry Medvedev giữ cương vị tổng thống.