Theo tờ Space, NASA khẳng định tia sáng màu xanh lục là một tia sét được hình thành cùng kiểu với sét trên Trái Đất. Các nhà khoa học hiện vẫn đang cố gắng tìm hiểu nhiều khía cạnh của Sao Mộc - hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời, bao gồm cả những cơn bão lớn và cách thức hình thành các hiện tượng giống như tia sáng màu xanh vừa được ghi nhận trên hành tinh khí khổng lồ này.
Theo giải thích của các quan chức NASA, trên Trái Đất, tia sét bắt nguồn từ các đám mây nước và xảy ra thường xuyên nhất ở đường xích đạo. Trong khi đó, ở sao Mộc, tia sét cũng có khả năng xảy ra trong các đám mây chứa dung dịch nước - amoniac được nhìn thấy thường xuyên nhất ở các cực.
Khám phá này góp phần vào chuỗi những phát hiện làm thay đổi quan điểm của NASA về bầu khí quyển bên dưới biển mây cuồn cuộn nhìn thấy từ bên trên. Nó cho thấy một lớp thời tiết khí quyển khác, nằm sâu bên dưới, sở hữu dấu vết của các nguyên tố nặng. Tia sét xanh chỉ ra thêm một điểm tương đồng giữa hành tinh này với Trái Đất thúc đẩy một số nghiên cứu gần đây cho rằng tia sét có vai trò rất quan trọng trong việc một hành tinh sinh ra sự sống.
Tàu vũ trụ Juno thám hiểm của NASA đã làm nhiệm vụ quan sát Sao Mộc kể từ năm 2016. Các dữ liệu do tàu vũ trụ thu thập được đã lần lượt hé lộ nhiều điều bất ngờ, khiến NASA từng tuyên bố hành tinh tưởng chừng rất hoang dã và khác xa Trái đất này có thể vẫn ẩn chứa một "dạng sống kỳ lạ"./.