Theo hãng Sky News, cảnh sát Bangkok đang mở chiến dịch kiểm tra hơn 40 tiệm massage, bởi theo họ các cơ sở này đang nhấn chìm thủ đô khi lén hút trộm nước ngầm cho dịch vụ của mình. Cảnh sát nghi ngờ các cơ sở này tự khoan giếng để khai thác nước ngầm trái phép, nhằm tiết kiệm chi phí sử dụng nước sạch.
Theo hãng AFP, các cơ sở massage ở Bangkok thường có hàng chục phòng tắm riêng để phục vụ khách. Được biết, chiến dịch kể trên được triển khai sau khi cảnh sát mở cuộc đột kích vào hoạt động buôn người ở một cơ sở massage và phát hiện một số gái gọi vị thành niên, cùng các bằng chứng cho thấy việc sử dụng nước ngầm trái phép.
Theo giới truyền thông, trong cuộc đột kích một tiệm massage tại thủ đô Bangkok, cảnh sát phát hiện hơn 100 phụ nữ người Thái Lan, Myanmar, Lào và Trung Quốc, đang hành nghề mại dâm. Theo hãng AFP, trong số hơn 100 phụ nữ kể trên có ít nhất 3 nhân viên dưới 18 tuổi, nhưng vẫn bị ép phải tiếp khách.
Cũng qua cuộc đột kích này, cơ quan chức năng phát hiện có hơn 20 quan chức có liên quan đến tham nhũng. Trong số này có 5 cảnh sát và 1 quan chức chống buôn người bị nghi nhận hối lộ để bảo kê hoạt động mại dâm tại 1 cơ sở massage ở Bangkok. "Vẫn còn rất nhiều thông tin liên quan đến công chức nằm trong máy tính thu giữ tại tiệm massage, nên chúng tôi cần thêm thời gian để xác minh", Bộ trưởng Nội vụ Kongrob Kratumnat tuyên bố.
Phó Giám đốc Cục Tài nguyên và Trấn áp tội phạm môi trường Bangkok Suwat Inthasit cho biết, cơ quan chức năng đang kiểm tra chính xác lượng nước mỗi cơ sở sử dụng, để đưa ra kết luận cuối cùng.
Tờ Bangkok Post từng cảnh báo trong bài viết "Hãy ngăn chặn thành phố chìm xuống", cùng lời kêu gọi không mở rộng thêm thành phố và đình chỉ việc bơm nước ngầm.
Điều đáng nói dù vụ việc được cảnh báo từ lâu, nhưng vấn nạn này vẫn tồn tại rộng rãi ở nhiều khu vực của thủ đô. Theo giới truyền thông, cùng với việc "nhắm mắt làm ngơ" của cảnh sát, nạn tham nhũng, hối lộ và lỗ hổng về quản lý đã khiến cho ngành công nghiệp tình dục khó bị dẹp bỏ.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc hút trộm nước ngầm đang góp phần khiến nhiều khu vực của Bangkok có thể bị nhấn chìm vào năm 2030, chủ yếu do nước biển dâng lên và nước ngầm tại đây bị rút cạn.
Bangkok hiện có hơn 9 triệu dân, cùng hơn 5.000 tòa cao ốc và 9 triệu phương tiện các loại. Sức nặng đó đè lên nền đất xốp và yếu của thành phố này, góp phần gây sụt lún.
|
Một góc phố đèn đỏ ở Thái Lan. |
"Nếu không có biện pháp gì, mọi người sẽ thua thiệt. Bởi chính đất đai đang bị chìm dần, cho nên giá đất cũng chìm xuống", Phó giáo sư Sucharit Koontanakulvong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Hệ thống Tài nguyên Nước của trường Đại học Chulalongkorn cảnh báo.
Tuy không còn tranh cãi về việc Bangkok đang chìm dần, nhưng cho đến nay giới chuyên môn và cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc thủ đô với gần 10 triệu dân còn sinh sống được bao lâu.
Theo tờ Daily mail, với nỗ lực của giới chức địa phương, tốc độ bị lún của Bangkok đã giảm so với tốc độ chìm 10cm/năm hồi cuối những năm 1970 của thế kỷ trước.
Được biết, Bangkok nằm sát bờ sông Chaophraya vốn có nền đất thấp (phần lớn diện tích thấp hơn mực nước biển khoảng 1 m và mỗi năm lún thêm 1-3 cm), trước đây là đầm lầy, nên việc hút nước ngầm quá mức làm gia tăng nguy cơ lún đất.
Theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2050 sẽ có khoảng 1 triệu người ở Bangkok phải sống tại những khu ngập lụt thường xuyên. Giới chuyên môn xếp Bangkok vào danh sách những thành phố bị đe dọa trước nguy cơ ngập lụt ven bờ trong 60 năm tới.
Dư luận khá quan tâm tới cảnh báo của nhà khí tượng học Smith Dharmasaraja, bởi với tốc độ sụt lún từ 1,5 cm đến 5,3 cm mỗi năm, kết hợp với tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu như hiện nay, 20 năm tới Bangkok sẽ nằm dưới mực nước biển.
"Bangkok là một thành phố béo phì trên một bộ khung xương trẻ con", nhà địa chất Thanawat Jarupongsakul ví von. Theo nhà hải dương học Anond Snidvongs, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về biến đổi khí hậu, tình trạng ngập chìm hoàn toàn trong nước biển có thể không xảy ra ngay, nhưng những trận lụt lớn trên phạm vi hàng trăm km² có thể tác động tới một nửa Bangkok và khiến cho những khu vực này không thể sinh sống trong khoảng 60 ngày/năm.
Được biết, một khu phố dọc theo con kênh Saen Saeb (xây vào cuối thập niên 1830) đã có cảm giác bị chìm dần. "Tôi không biết phải làm gì. Ai sẽ giúp chúng tôi đây?", bà Vijitri Puangsiri, cư dân đã sống 44 năm than thở. "Đi trên thuyền dọc theo kênh, ta có thể nhận thấy tất cả mọi thứ đều bị lõm vào. Các tòa nhà chìm dần bởi không được xây dựng trên các nền vững chắc", ông Somsak Kongpeeng nói.