Như nhiều vụ việc khác, nhà chức trách không thể truy xuất nguồn gốc miếng vàng mà Nakulumba mang theo. Họ không biết nó được khai thác từ đâu, ai là người tìm thấy và nó bị qua tay đầu nậu như thế nào. Ước tính mỗi năm, Cộng hòa Dân chủ Congo có thể khai thác được từ 20-30 tấn vàng nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ xuất khẩu chính ngạch. Còn lại, có đến 16 tấn vàng được nhập lậu sang các nước láng giềng để xuất khẩu sang Dubai.
|
Congo không thể kiểm soát được nạn buôn lậu vàng tại hàng nghìn mỏ thủ công. |
Không bán qua kênh chính thức
Các khu mỏ khai thác vàng thường tập trung ở tỉnh Nam Kivu của Congo. Khoảng 200.000 thợ mỏ kiếm sống trong hàng nghìn mỏ thủ công tại đây, chủ yếu dùng tay và công cụ thô sơ để khai thác vàng. Những đường hầm ở đây dựng lên tạm bợ và nguy hiểm khiến cho chỉ một cơn mưa to, thợ mỏ có thể thiệt mạng vì lở đất. Như khu mỏ Ngweshe, cách tỉnh lỵ của Bukavu 2 giờ lái xe, đó là nơi ở và làm việc của khoảng 235 nam giới.
Antoinet Chubaka Mufindi, 28 tuổi, cho biết, anh đã làm ở đây hơn 1 năm. Anh chỉ được trả tiền khi tìm thấy vàng. Ngày nào may mắn, số bụi vàng mà anh nhặt được tương đương trọng lượng nửa đồng xu nhưng như phần lớn đồng nghiệp ở đây, có khi họ mất cả tháng đào đãi mà không gặp may, cũng đồng nghĩa là chìm vào nợ nần cho thực phẩm và các chi phí khác.
Mỗi khu mỏ ở đây thường thuộc về một hợp tác xã địa phương, theo thủ tục pháp lý nhưng khả năng vàng bị tuồn ra thị trường đen rất cao. Pascal Buyoya, người buôn vàng ở Bukavu, có thể trả khoảng 34 USD/gram vàng nếu anh mua từ hợp tác xã và đổ buôn với giá 37 USD/gram. Giá cả như vậy nhưng những người trực tiếp đào đãi vàng như Mufindi chỉ được hưởng một tỷ lệ nhỏ. Vì vậy, nếu Buyoya có thể đàm phán trực tiếp với thợ mỏ như Mufindi, họ sẽ thống nhất một mức giá có lợi cho cả hai.
Nhưng với những tiểu thương vùng này, buôn vàng cũng không hề dễ. Nếu đi đường chính ngạch, họ sẽ bị đánh thuế cao. Đó là chưa kể, riêng khu trung tâm tập trung mỏ vàng ở miền Đông Congo có tới 32 nhóm vũ trang địa phương và 5 nhóm liên quan đến các nước láng giềng. “Vàng từ hầu hết khu vực này không được bán thông qua các kênh chính thức mà qua mạng lưới các nhóm vũ trang”, ông Maxie Muwonge, Trưởng văn phòng của Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc chi nhánh Nam Kivu cho biết.
Khó thực thi pháp luật
Đại tá Irene Siyafahamu ngồi trong một tòa nhà văn phòng trống hoác cách xa cơ quan chính phủ khác ở Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu. Bà đứng đầu lực lượng cảnh sát khai thác khoáng sản khi đơn vị thành lập năm 2014 với nhiệm vụ thực thi các quy định về khai thác và điều tra tội phạm liên quan đến khoáng sản. Nhưng theo Đại tá Irene Siyafahamu, đơn vị thậm chí không được cấp một chiếc xe hơi, vì thế công việc của họ gặp vô vàn khó khăn.
“Chính phủ cần phải coi đây là vấn đề nghiêm trọng nếu muốn đặt dấu chấm hết cho tình trạng buôn lậu vàng”, Đại tá Siyafahamu nói. Như trường hợp Nakulumba, Đại tá Siyafahamu kể, người phụ nữ này bị Đại tá quân đội Jeremie Kirongozi phát hiện và chặn tại biên giới. Ông này đã tịch thu số vàng và rời khỏi hiện trường cùng với nữ nghi phạm Nakulumba. Cuối cùng, số vàng cũng được thu hồi chỉ với sự can thiệp của cấp trên, nhưng vị Đại tá này chưa bị bắt.
Thực tế, cuối tháng 6-2017, Chính phủ Congo đã phát động chương trình gắn thẻ và truy xuất vàng để ngăn chặn nạn buôn bán vàng bất hợp pháp. Chưa biết chương trình có thành công hay không nhưng đó là bước tiến mới đánh dấu nỗ lực đầu tiên của chính quyền trong việc quản lý các khu khai khoáng lậu vốn làm gia tăng xung đột tại Congo.