Mỹ tiếp tục chỉ trích rằng chính quyền quân sự Myanmar đang đàn áp người biểu tình và kêu gọi các công ty quốc tế xem xét cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp hỗ trợ quân đội quốc gia Đông Nam Á này, hãng tin Reuters cho hay.
Mỹ: Quốc tế nên cần rút đầu tư
Ngày 30-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả rằng chính quyền quân sự Myanmar đang gây ra tình trạng bạo lực "đáng bị chỉ trích", "ngày càng đáng lo ngại và thậm chí là kinh hoàng". Ông Blinken lưu ý rằng trong số những người chết trong các cuộc biểu tình ở Myanmar, có cả một cháu bé năm tuổi.
Ông Blinken cho rằng các quốc gia khác và các công ty trên toàn thế giới nên xem xét rút lại "các khoản đầu tư đáng kể vào các doanh nghiệp hỗ trợ quân đội Myanmar".
"Họ (tức các nước và các công ty quốc tế - PV) nên cân nhắc về những khoản đầu tư đó và xem xét lại vấn đề này như một biện pháp từ chối cung cấp cho quân đội (Myanmar) hỗ trợ tài chính mà quân đội cần để kéo dài hành vi chống lại nguyện vọng của người dân" - ông Blinken nhấn mạnh.
|
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: REUTERS |
Tuần trước, Mỹ đã áp đặt một số lệnh trừng phạt lên hai tập đoàn thuộc sở hữu của quân đội Myanmar, cấm các tổ chức và cá nhân ở Mỹ giao dịch với hai doanh nghiệp này.
Ngày 29-3, chính quyền Washington đã tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động giao thương với Myanmar cho đến khi chính phủ dân cử được khôi phục.
Tuy nhiên, tại một số nước đồng minh của Mỹ như Nhật hay Hàn Quốc, vẫn còn những công ty duy trì quan hệ thương mại với các công ty thuộc quân đội Myanmar.
Thương vong biểu tình tiếp tục tăng
Tối 30-3, hãng tin AFP dẫn thống kê từ một tổ chức độc lập chuyên theo dõi tình hình chính trị Myanmar, cho biết số người chết trong các cuộc biểu tình ở đất nước này đã lên tới 521. Tuy nhiên, tổ chức độc lập trên cảnh báo số thương vong thực sự có thể còn lớn hơn.
Theo tổ chức trên, ít nhất tám người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ngày 30-3. Các trường hợp này là người biểu tình ở bang Shan, bang Kachin, vùng Mandalay và vùng Bago.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin về một trường hợp người biểu tình thiệt mạng tại quận South Dagon của TP Yangon.
Chính quyền quân sự Myanmar cũng cho biết giới chức đang điều tra một vụ đánh bom tại một đồn cảnh sát ở TP Bago - thủ phủ vùng Bago - khiến một số sĩ quan bị thương.
Các cuộc biểu tình đã kéo dài gần hai tháng qua, sau khi quân đội Myanmar hôm 1-2 bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự, lập ra chính quyền mới ở Naypyidaw. Hành động của quân đội Myanmar vấp phải sự phản đối của không chỉ người dân Myanmar và cộng đồng quốc tế, mà còn bị các nhóm nổi dậy trong nước chỉ trích.
Các nhóm nổi dậy có vũ trang ở Myanmar tiếp tục lên án hành vi đàn áp người biểu tình và đe dọa các nhóm riêng lẻ này có thể hợp tác để chống lại quân đội Myanmar.
Ba nhóm nổi dậy có vũ trang là Quân đội Giải phóng quốc gia Ta'ang, Quân đội Liên minh Dân chủ các dân tộc Myanmar và Quân đội Arakan đã đưa ra tuyên bố chung cảnh báo chính quyền quân sự tại Naypyidaw.
Giới quan sát quốc tế lo ngại nếu tình trạng như hiện tại còn tiếp diễn, Myanmar sẽ rơi vào cuộc nội chiến mới.