Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói trước Quốc hội tuần trước rằng vẫn còn việc phải làm liên quan tới thỏa thuận để đảm bảo Trung Quốc sẽ tuân thủ cam kết. Vài ngày sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo ông vẫn có thể rời bàn đàm phán với Trung Quốc như những gì đã làm với Triều Tiên.
Ngày 5/3, có dấu hiệu giảm căng thẳng giữa hai bên khi Mỹ xác nhận sẽ hoãn tăng thuế theo dự kiến đối với hàng hóa Trung Quốc cho tới khi có thông báo tiếp theo. Trước đó, Washington định tăng thuế với hàng Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/3. Tuy nhiên, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, hiện giờ mức thuế vẫn là 10%.
Đình chiến thuế quan?
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty, Business Insider |
Theo tờ Bloomberg, Trung Quốc muốn Tổng thống Trump dỡ bỏ các mức thuế bổ sung mà ông đã áp đặt với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD năm 2018, nhưng chưa rõ liệu Tổng thống Trump sẽ giảm một phần hay toàn bộ khoản thuế mang tính trừng phạt áp đặt hồi năm ngoái này. Mức thuế mà Mỹ áp đặt với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD được áp dụng đầu tiên trong vòng trừng phạt nhằm vào hàng hóa tổng trị giá 500 tỷ USD.
Có nhiều luồng ý kiến trái chiều trong chính quyền của Tổng thống Trump về việc có nên bỏ thuế đã áp đặt thêm vào ngày đầu tiên đàm phán hay không, vì giữ một số mức thuế cao sẽ giúp Mỹ duy trì lợi thế.
Một số cố vấn cho rằng chỉ nên dỡ bỏ toàn bộ mức thuế đã áp đặt thêm khi Trung Quốc tuân thủ mọi cam kết. Quá trình này có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Theo ông Lighthizer, ngay cả khi một số hoặc phần lớn thuế quan đã trở lại mức như cũ, thì thỏa thuận vẫn phải 'cài thêm' điều khoản cho phép tái áp đặt thuế quan trừng phạt nếu như Trung Quốc phá vỡ cam kết trong thỏa thuận.
Dù vậy, Tổng thống Trump đã liên tục trì hoãn áp đặt các mức thuế cao hơn với hàng hóa Trung Quốc, tạo điều kiện cho hai bên có nhiều thời gian hơn để đạt được thỏa thuận trên diện rộng.
Cơ chế đàm phán
Ông Lighthizer cho biết hai quốc gia dự định thiết lập một cơ chế tham vấn thường xuyên ở nhiều cấp giữa Chính phủ Mỹ và Trung Quốc để giải quyết các vấn đề. Nếu đàm phán không tiến triển, Mỹ sẽ phản ứng bằng hành động đơn phương và tương xứng.
|
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh: Reuters |
Về hình thức, cơ chế trên tương tự với những nỗ lực đàm phán trước đây mà Mỹ và Trung Quốc từng sử dụng để thảo luận các khúc mắc thương mại. Chính quyền của Tổng thống Trump cho biết sẽ từ bỏ cơ chế này vì không thành công trong việc khiến Trung Quốc phải thay đổi chính sách thương mại theo yêu cầu của Mỹ.
Những người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng bỏ cơ chế trên. Điều này lại có thể khiến dư luận khó chấp nhận hơn khi họ đang kỳ vọng đàm phán thương mại sẽ có kết quả khác biệt thời Tổng thống Trump vì các chính quyền tiền nhiệm đã nhiều năm bế tắc.
Đội ngũ của Tổng thống Trump đang đề nghị Trung Quốc từ bỏ quyền trả đũa một khi Mỹ hành động đơn phương. Washington cũng muốn Bắc Kinh không kiện ra Tổ chức Thương mại Thế giới. Hiện chưa rõ Trung Quốc có đồng ý với kế hoạch đó hay không và nếu đồng ý thì điều kiện của nước này đưa ra với Mỹ là gì.
“Giải pháp đậu tương”
Đại diện Lighthizer nhấn mạnh rằng ông đang tìm kiếm một thỏa thuận lớn hơn, chứ không chỉ là một “giải pháp đậu tương” cho riêng ngành này. Tuy vậy, khi đàm phán, hai bên vẫn nhắc tới các hợp đồng mua một lượng hàng hóa nông sản lớn, trong đó có đậu tương.
Cụ thể, Trung Quốc đã đề nghị mua thêm hàng hóa của Mỹ trị giá 1.200 tỷ USD trong vòng 6 năm, chủ yếu là các mặt hàng nông sản và năng lượng. Đề nghị này sẽ giúp thỏa thuận được lòng Tổng thống Trump hơn vì ông luôn cam kết giảm thâm hụt thương mại kinh niên giữa Mỹ với Trung Quốc.
|
Tổng thống Trump tỏ ra cứng rắn khi tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc để nước này phải nhượng bộ. Ảnh: New York Times |
Ngày 1/3, Tổng thống Trump đã đề nghị Trung Quốc ngay lập tức giảm toàn bộ thuế với nông sản Mỹ, nhưng không nói rõ yêu cầu đó chỉ liên quan tới các mức thuế trả đũa hay các mức thuế nói chung.
Tuy nhiên, ông Lighthizer và nhóm đàm phán tập trung hơn vào việc yêu cầu Trung Quốc thay đổi cơ cấu trong chính sách và thông lệ về tài sản trí tuệ. Cụ thể là chính sách yêu cầu công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc để được làm ăn ở nước này.
Thỏa thuận thương mại của Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ bị phe Dân chủ và những thành viên cứng rắn trong đảng Cộng hòa soi xét. Lãnh đạo phe Dân chủ chiếm thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tuần trước đã kêu gọi Tổng thống Trump kiên trì cho tới khi đạt được một thỏa thuận giải quyết được những vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Schumer nói ngày 28/2: “Tổng thống Trump không được rơi vào bẫy tìm kiếm thỏa thuận cho có, đặc biệt là khi hiện giờ đàm phán với Triều Tiên đang tạm ngưng”.
Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn có quyền tự quyết trong vấn đề này mà không cần sự trợ giúp của các nghị sĩ. Nhà Trắng sẽ coi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc là một thỏa thuận ký giữa Tổng thống Trump và một chính phủ, do đó không cần Quốc hội thông qua.
Mặc dù đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc theo dự kiến là bước tiến tốt, nhưng các chuyên gia cho rằng chiến tranh thương mại không vì thế mà chấm dứt hẳn. Có thể đây chỉ là giai đoạn đình chiến tạm thời.
Thỏa thuận mà Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được trong tháng 3 này chỉ có thể giúp giảm nguy cơ các bên leo thang áp đặt thêm thuế nhập khẩu trong vòng 18 tháng tới. Chuyên gia Tai Hui thuộc công ty Quản lý tài sản JPMorgan thừa nhận: "Giữa hai nước vẫn còn nhiều khác biệt lớn về các vấn đề như chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường".
Với những khác biệt hiện nay, Trung Quốc khó có khả năng đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của Mỹ.