Theo CNBC ngày 14/7, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết Mỹ có thể áp đặt lệnh trừng phạt chống lại các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc vì những hành vi ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông.
"Mọi phương án đều được tính đến. Trừng phạt là một hành động hữu hình và rõ ràng, một ngôn ngữ mà Trung Quốc có thể hiểu được", ông David Stilwell trả lời tại một hội nghị trực tuyến khi được hỏi về khả năng Washington áp đặt lệnh trừng phạt để đáp trả Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
Lời cảnh báo của ông David Stilwell được đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ lần đầu tiên công khai bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
|
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters. |
Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là hoàn toàn "bất hợp pháp", cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát vùng biển tranh chấp bằng cách theo đuổi chiến dịch bắt nạt.
"Mỹ đấu tranh vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi đang tăng cường chính sách của Mỹ tại một vùng tranh chấp, có ý nghĩa sống còn tại khu vực - Biển Đông. Chúng tôi tuyên bố: Các yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp”, trích tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/7.
Tuyên bố của Mỹ cũng thẳng thừng bác bỏ cái mà Trung Quốc gọi là "đường 9 đoạn" bao trùm gần hết Biển Đông: "Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách 'đường 9 đoạn' ở Biển Đông kể từ họ khi chính thức công bố vào năm 2009".
"Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh tự coi Biển Đông là đế chế hàng hải của riêng mình. Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong tiến trình bảo vệ quyền chủ quyền cũng như bảo vệ các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế", tuyên bố nhấn mạnh.
Mỹ khẳng định "sát cánh" cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền, bác bỏ mọi nỗ lực nhằm áp đặt “quyền lực thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông cũng như trong toàn khu vực.
Ông Gregory B. Poling, chuyên gia về Biển Đông thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định tuyên bố lập trường mới của Mỹ sẽ mở đường cho các động thái cứng rắn hơn nữa từ Washington như trừng phạt Trung Quốc hoặc tăng cường sự hiện diện hải quân trên Biển Đông,...
Được biết, ngày 14/7, một tàu khu trục của hải quân Mỹ đã cho tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông.
|
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Hôm 4/7, Hải quân Mỹ điều động 2 tàu sân bay và một số chiến hạm hộ tống tới Biển Đông để tham gia tập trận. Động thái này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang triển khai tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) từ 1/7-5/7.
Về phần mình, Trung Quốc ngày 15/7 tuyên bố nước này sẽ không sợ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ vì vấn đề Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã cố bảo vệ yêu sách "đường 9 đoạn" phi lý mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông. Tuy nhiên, bà không trưng ra được bằng chứng nào cho thấy yêu sách chiếm gần 90% diện tích Biển Đông này phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Mời độc giả xem thêm video: Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam - Nguồn: VTC10
Có thể thấy, mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng, liên quan tới hàng loạt vấn đề như COVID-19, Hong Kong, Tây Tạng và Biển Đông,...
Đáng nói, Trung Quốc liên tục có những hành vi hung hăng, ngang ngược ở Biển Đông, chẳng hạn như ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo mà họ chiếm hữu bất hợp pháp.
Nhằm ngăn chặn hành động khiêu khích, phi pháp và lấn tới của Trung Quốc, Mỹ thường xuyên gửi tàu khu trục và tàu sân bay tới vùng biển này để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tự do hàng hải.