Đài phát thanh Sputnik dẫn bài viết trên nhật báo Liban Al Akhbar đưa tin, một số quan chức an ninh và tình báo Mỹ đã tới sân bay quốc tế Damascus trên một phi cơ riêng của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hồi cuối tháng 6 vừa qua. Họ đã được hộ tống tới trung tâm Damascus để tham gia đối thoại với người đứng đầu văn phòng an ninh quốc gia Syria, Thiếu tướng Ali Mamlouk.
Trong cuộc họp kéo dài 4 tiếng đồng hồ, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm tại quốc gia Trung Đông này. Phía Mỹ cũng đưa ra đề nghị: Mỹ rút quân khỏi Al Tanf và phía Đông sông Euphrates với 3 điều kiện, bao gồm quân Iran cũng phải rút hoàn toàn khỏi Syria, được chia nguồn lợi dầu lửa và được chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố.
|
Ở vị thế của Syria hiện tai trên chiến trường, việc người Mỹ có rút đi hay không đã không còn là vấn đề và Damascus sẽ không bao giờ từ bỏ đồng minh Iran. Ảnh: AFP.. |
Cựu Đại sứ Anh tại Syria Peter Ford nhận xét với tờ Sputnik News, cho rằng “các thông tin trên hoàn toàn có thể tin tưởng được”. Điều kiện đầu tiên mà Mỹ đưa ra đối với Syria là quân Iran cũng phải rút hoàn toàn khỏi đây.
Không giống Mỹ, Iran được đích thân chính quyền Syria mời tới hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại các tay súng Hồi giáo nổi dậy. Thiếu tướng Mamlouk nhấn mạnh với bên đàm phán Mỹ: “Các ông dùng sức mạnh tiến vào lãnh thổ của chúng tôi, không có sự cho phép, và giờ các ông có thể rời khỏi theo đúng con đường đó”.
“Một số nguồn tin công khai tiết lộ từ tháng 6, Mỹ đã đề nghị rút quân khỏi căn cứ quân sự Al Tanf trong một thỏa thuận liên quan tới các điều kiện Mỹ ngầm chấp nhận chiến dịch tái chiếm khu vực phía nam của chính phủ Syria”, ông Ford trả lời hãng tin Sputnik.
Theo ông Ford, việc đưa Al Tanf ra làm điều kiện thỏa thuận đã “phản ánh điểm yếu vị thế của Mỹ tại Syria".
"Từ tháng 6, người Mỹ biết họ không thể ngăn chặn chiến dịch tái chiếm vùng phía Nam của chính quyền Syria. Họ có thể làm gì chứ, vô cớ dội bom Syria để rồi hứng chịu rủi ro xung đột với Nga và bị Iran trả đũa? Tổng thống Trump không thể để mình xuất hiện yếu thế trước những người chỉ trích. Chính vì vậy, sáng kiến tìm kiếm một thỏa thuận ra đời. Không may cho Mỹ, Syria không đánh giá cao căn cứ Al Tanf. Xét theo một góc độ nào đó, căn cứ Al Tanf đối với Mỹ là một gánh nặng thay vì một tài sản, với hàng nghìn người tị nạn sống trong điều kiện thiếu thốn và hàng trăm tay súng phiến quân. Tại sao Syria phải trả giá để đỡ gánh nặng cho Mỹ”, ông Ford nhận định.
Theo đà chiến thắng, Damascus có thể quan tâm tới một thỏa thuận nếu như Mỹ không chỉ đề nghị rút quân, mà còn đưa ra thảo luận quân bài vũ khí hóa học, quân bài tái thiết, quân bài trừng phạt, hoặc có thể là Cao nguyên Golan… Tuy nhiên điều đó khó có thể xảy ra.
Thoe ông Ford, "việc Syria bác bỏ thỏa thuận trên phản ánh Syria đã có một đánh giá toàn diện đối với các lựa chọn hạn chế của Mỹ. Nó cũng phản ánh quan điểm không hy sinh đối tác chiến lược trong mọi trường hợp với Iran của Damascus”.
Điều kiện thứ 2 mà Mỹ đề xuất cho phía Syria là yêu cầu chia sẻ một phần dầu lửa ở miền đông Syria. Liên quan đến miếng mồi béo bở là nguồn dầu, Thiếu tướng Mamlouk cho rằng Mỹ phải chờ. “Các công ty Mỹ có thể tham gia vào lĩnh vực năng lượng Syria thông qua các công ty Nga hay phương Tây, nhưng Syria không hứng thú làm ăn với những quốc gia có ý đồ lật đổ chính quyền của họ”.
Điều kiện cuối cùng Mỹ muốn Syria đáp ứng là chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố có khả năng trở thành mối đe dọa với các nước phương Tây trong tương lai.
Thiếu tướng Mamlouk tiết lộ Syria có một “cấu trúc thông tin khổng lồ” về khủng bố nhưng chuyện công khai lại “liên quan đến sự phát triển trong quan điểm chính trị của các ông về Syria”. Ông Mamlouk cũng cho biết Syria đã chia sẻ các thông tin này với UAE và Jordan.