Một tháng sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un gây bất ngờ với thế giới về tuyên bố cử đoàn tham gia Olympics mùa đông, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã hoãn lại các cuộc tập trận, nhiệt tình tiếp đón và chiêu đãi cô Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên, và tỏ ra nhận lời mời đến dự hội nghị thượng đỉnh ở miền Bắc.
|
Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cô Kim Yo Jong, đi cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong các sự kiện quan trọng. Ảnh: Reuters. |
Các cựu quan chức Hàn Quốc và những nhà quan sát tình hình Triều Tiên đều đánh giá cao việc Bình Nhưỡng không bỏ qua sự kiện Olympics để tạo ra một chút khoảng cách giữa Hàn Quốc và đồng minh Mỹ, cũng là cơ hội để có thể nới lỏng phần nào cấm vận cho chính mình.
“Triều Tiên rõ ràng là đã giành huy chương vàng”, ông Kim Sung Han, thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên giai đoạn 2012-2013, nói với Reuters.
Hình ảnh khác về gia tộc họ Kim và Triều Tiên
Ông Han nhận định phái đoàn Triều Tiên giành được toàn bộ sự chú ý của giới truyền thông. Báo chí thế giới tràn ngập hình ảnh nụ cười ôn nhu của cô Kim Yo Jong, thành viên đầu tiên trong gia tộc họ Kim cầm quyền ở Triều Tiên từng đến Hàn Quốc sau chiến tranh.
Giữa một rừng phóng viên và ống kính, cô Kim Yo Jong đi giữa đội hộ vệ đông đảo rời khỏi sân bay và đến các điểm sự kiện. Bước đi nhanh chóng, dứt khoát nhưng gương mặt của cô luôn nở nụ cười nhẹ nhàng.
Em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới ngay từ khi cô đặt chân đến Hàn Quốc, bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến miền Nam bán đảo Triều Tiên và dự lễ khai mạc Olympics mùa đông.
Với tư cách là phái viên của anh trai, sự xuất hiện của Kim Yo Jong được cho là nhằm thể hiện khía cạnh mềm mỏng của chính quyền Triều Tiên, vốn là tâm điểm của thế giới suốt năm qua vì chương trình tên lửa và hạt nhân.
Chiến thuật này dường như đã thành công, ít nhất là đối với truyền thông Hàn Quốc.
|
Cô Kim Yo Jong gặp tổng thống Hàn Quốc và chuyển thư tay của nhà lãnh đạo Kim Jong Un về việc mời ông đến Triều Tiên dự hội nghị cấp cao 2 miền. Ảnh: Reuters.
|
“Cô ấy có ngoại hình cân đối và nhanh nhẹn. Chuyến đi lần này của Kim Yo Jong thực sự hiệu quả về khía cạnh quảng bá cho Bình Nhưỡng, đặc biệt với những người vốn cho rằng Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo lạnh lùng”, Oh Young Jin, thư ký toà soạn của báo Korea Times, đánh giá.
Trong bối cảnh quốc tế liên tục cấm vận, nhiều nguồn tin khẳng định những lệnh trừng phạt này đã có hiệu quả. Một người nước ngoài đang sống ở Bình Nhưỡng nói với Reuters rằng ông thấy ngày càng ít người đến các nhà hàng hoặc trung tâm thương mại cao cấp những tháng qua.
Hải sản vốn là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên, bây giờ lại trở thành món ăn bình dân của nhiều gia đình từ sau cấm vận tháng 8/2017 của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, giá nhiên liệu ngày càng tăng. Bộ Thống nhất Hàn Quốc tiết lộ khi chiếc phà chở đoàn Triều Tiên đến Hàn Quốc dự Olympics khoảng 10 ngày trước, họ đề nghị nước chủ nhà hỗ trợ dầu để có thể quay về.
Các quan chức và chuyên gia Nhật Bản tin rằng đây là một phần lý do khiến ông Kim Jong Un chấp nhận việc tham gia Olympics.
|
Tổng thống Hàn Quốc và phu nhân chào hỏi thân tình với em gái của Kim Jong Un tại sự kiện khai mạc Olympics. Họ đã có cái bắt tay lịch sử. Ảnh: AP.
|
Tuy nhiên, tại PyeongChang, các quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc tránh đề cập đến cấm vận; thay vào đó họ trao đổi về những sứ mệnh thiện chí của sự kiện Olympics. Bằng chứng rõ rệt nhất là khi nữ vận động viên của hai bên cùng tham gia một đội trong trận khúc côn cầu đêm 10/2. Một quan chức Olympics thậm chí cao hứng đề nghị đề cử "đội thống nhất" này với giải Nobel Hoà bình.
Mũi tên trúng ba con nhạn?
Giữa những hình ảnh vui tươi ấm áp trong đêm khai mạc, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence dường như là nhân vật cô đơn. Ông vẫn ngồi bất động, trong khi Tổng thống Moon ngồi cùng hàng đầu với ông quay xuống phía sau bắt tay tươi cười cùng cô Kim Yo Jong.
Cử chỉ thân tình này không chỉ làm dấy lên những đồn đoán về vết rạn trong mối liên minh Hàn - Mỹ, mà rõ ràng là sự đối lập với thái độ lạnh nhạt của Hàn Quốc với Nhật Bản, vốn là đồng minh quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dường như không thể sốt ruột hơn, bèn nói với nước chủ nhà Hàn Quốc rằng cuộc tập trận Hàn - Mỹ cần sớm nối lại ngay sau khi Olympics kết thúc. Nhật Bản không tham gia tập trận, nhưng nước này lại hoàn toàn nằm trong phạm vi đe doạ của tên lửa Triều Tiên nên phụ thuộc đáng kể vào sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ.
Đáp lại, Tổng thống Moon hờ hững nói việc ông Abe nêu lên vấn đề này là điều không thích hợp, vì đó vốn là chuyện nội bộ của Hàn Quốc.
|
Cách Hàn quốc bố trí vị trí ngồi trong đêm khai mạc Olympics: Tổng thống Hàn Quốc, phó tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật Bản ngồi cạnh nhau cùng hàng đầu; trong khi em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngồi ngay sau tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
“Diễn biến này là điều có thể đoán trước, nhưng đối với Nhật Bản thì đó chính là cơn ác mộng. Triều Tiên đang vô cùng thuần thục trong việc tạo ra sự chia rẽ giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc”, Giáo sư Takashi Kawakami tại Đaị học Takushoku nói.
Phó tổng thống Pence phải lên tiếng phủ nhận các tin đồn bằng việc khẳng định “không có khoảng cách” giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong chuyện cô lập Triều Tiên; đồng thời tin rằng việc tham gia sự kiện thể thao là cách mà Bình Nhưỡng dùng để quảng bá hình ảnh.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói điều quan trọng hơn cần xem xét là Triều Tiên sẽ hành xử như thế nào sau Olympics. Hiện tại Bình Nhưỡng chưa tỏ ra muốn chấp nhận các yêu cầu quốc tế về từ bỏ tham vọng tên lửa và hạt nhân.
Phát biểu từ Rome, Italy, ngày 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói vẫn còn quá sớm để khẳng định căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên có hạ nhiệt sau Olympics hay không. “Tuy nhiên, giữa Mỹ và Hàn Quốc không có khoảng cách nào vì Triều Tiên”, ông nói.