Nước Anh cho biết Iran đã bắt giữ hai tàu chở dầu của nước này ở vùng Vịnh vào ngày 19-7 và yêu cầu Tehran trả lại các tàu hoặc sẽ phải đối mặt với hậu quả trong cuộc đối đầu mới nhất, gia tăng căng thẳng dọc theo tuyến đường vận chuyển dầu quốc tế quan trọng, theo Reuters.
Theo dữ liệu theo dấu hàng hải, tàu Stena Impero trên đường đến Arab Saudi nhưng rời khỏi các hải trình quốc tế và hướng về phía bắc tới đảo Qeshm của Iran. Stena ra thông cáo xác nhận Stena Impero "bị trực thăng và các tàu nhỏ không xác định danh tính tiếp cận trong quá trình đi qua Eo Hormuz trong khi tàu đang ở hải phận quốc tế". Công ty cho biết "hiện không thể liên lạc với con tàu vốn đang hướng về phía bắc tới Iran".
|
Stena Impero có trọng tải 30.000 tấn, thuộc sở hữu của Stena Bulk và đang hướng đến cảng Al Jubail của Arab Saudi. Ảnh: REUTERS |
Stena Impero có trọng tải 30.000 tấn, thuộc sở hữu của Stena Bulk và đang hướng đến cảng Al Jubail của Arab Saudi.
Sau đó trong cùng ngày, một tàu khác thuộc sở hữu của một công ty Anh mang cờ Liberia cũng thình lình rời khỏi hải trình đi Arab Saudi và hướng tới đất Iran.
Ngược lại, Đội Vệ binh Cách mạng Iran cùng ngạy loan báo rằng họ đã bắt giữ một tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh ở vùng Vịnh. Sự việc này xảy ra hai tuần sau khi hải quân Anh chiếm giữ một tàu chở dầu của Iran ở Gibraltar.
Mời quý vị xem video: Mỹ tấn công mạng trả đũa Iran
Lực lượng Vệ binh Cách mạng cho biết họ bắt giữ tàu chở dầu theo yêu cầu của nhà chức trách hàng hải Iran vì con tàu "không tuân thủ các tuyến đường biển ở Eo Hormuz, tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), làm ô nhiễm hải phận quốc tế và không chú ý đến cảnh báo của Iran"- truyền hình nhà nước đưa tin.
Hãng thông tấn TASnim của Iran đồng thời phủ nhận thông tin rằng tàu thứ hai, Mesdar do Anh điều hành, bị bắt giữ. Iran cho biết con tàu đã được tiếp tục hành trình sau khi được cảnh báo về các vấn đề an toàn và môi trường.
Dữ liệu theo dõi của Refinitiv cho thấy tàu Stena Impero và Mesdar đã đổi hướng mạnh mẽ trong vòng 40 phút, ngay sau khi vào vùng Vịnh qua Eo biển Hormuz, sau đó tàu di chuyển về phía bắc, hướng về bờ biển Iran.
Anh, Mỹ kịch liệt phản đối
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt xác nhận hai con tàu đã bị các cơ quan Iran bắt giữ ở Eo Hormuz.
|
Mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây ngày càng trở nên khó khăn. Ảnh: REUTERS |
"Tôi vô cùng lo lắng về việc các nhà chức trách Iran bắt giữ 2 tàu ở Eo biển Hormuz", ông Hunt nói với các phóng viên và cho biết sẽ sớm dự một cuộc họp khẩn của Nội các để tìm kiếm cách thức "nhanh chóng đảm bảo tự do cho hai con tàu".
"Những vụ bắt giữ này là không thể chấp nhận được. Điều cần thiết là tự do hàng hải được duy trì và tất cả các tàu có thể di chuyển an toàn và tự do trong khu vực" - Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cho biết.
Ngoại trưởng Hunt khẳng định không có công dân Anh nào trên tàu và "đại sứ Anh ở Tehran đang liên lạc với Bộ Ngoại giao Iran để giải quyết tình hình và chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế".
Trong một số bình luận được đăng trên báo Sky News, Ông Hunt còn cho biết, Iran sẽ phải nhận hậu quả nếu không trả lại quyền kiểm soát tàu, nhưng cho biết Anh sẽ không xem xét các phương án quân sự.
Phía Nhà Trắng cũng lập tức lên án "bạo lực leo thang" bởi chính quyền Iran. Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ bàn bạc với Anh.
"Chúng tôi đã biết thông tin các lực lượng Iran đã bắt một tàu dầu Anh. Đây là lần thứ 2 trong vòng một tuần Anh trở thành mục tiêu của bạo lực leo thang bởi chế độ Iran", phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Garret Marquis nói.
Tổng thống Trump cũng được yêu cầu trực tiếp bình luận về vụ Iran bắt giữ Stena Impero. Ông từ chối trả lời liệu vụ việc có "vượt ranh giới" và cách thức Mỹ phản ứng.
Nhà lãnh đạo Mỹ mô tả Iran là "không gì ngoài rắc rối" và cho rằng vụ việc chứng tỏ ông "đã đúng về Iran". Ông cũng đề cập đến những thông tin chưa được xác định về vụ Iran bắt tàu dầu thứ 2 của Anh.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây ngày càng trở nên khó khăn kể từ khi hải quân Anh chiếm giữ tàu chở dầu Iran tại Gibraltar vào ngày 4-7 vì nghi ngờ tàu này buôn lậu dầu đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.