Nhật Bản là nơi có hệ thống nhà vệ sinh tiên tiến nhất thế giới, với nhiều nhà sản xuất cạnh tranh nhau cung cấp các tính năng vượt trội như internet không dây tích hợp hoặc khả năng thu thập và phân tích từ xa các mẫu nước tiểu, sau đó gửi kết quả đến cơ quan giám sát hay bệnh viện được lựa chọn.
Nhằm tìm hiểu nhu cầu khách hàng, duy trì tính cạnh tranh, các nhà sản xuất bồn cầu như Toto và Matsushita Electric Works thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát liên quan đến nhu cầu tế nhị này. Theo đó kết quả cho thấy hầu hết đàn ông Nhật Bản đều đi tiểu trên bệ toilet.
Xu hướng đi tiểu khi đang ngồi đã trở nên phổ biến ở nam giới Nhật Bản đến mức thậm chí còn có một thuật ngữ dành cho những người chấp nhận nó - “suwari-shon”, một cách chơi chữ trong tiếng Nhật “suwari” có nghĩa là “ngồi” và “shonben” có nghĩa là "nước tiểu". Xu hướng này lần đầu tiên được báo cáo vào cuối những năm 1990, nhưng nó đã dần dần trở nên phổ biến hơn kể từ đó.
Đến năm 2007, các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 40% nam giới Nhật Bản thừa nhận là suwari-shon.ghiên cứu được công bố vào năm 2009 cho thấy xu hướng này phổ biến hơn ở nam giới trẻ tuổi từ 25 đến 35, đến từ các trung tâm thành thị như Tokyo. Tháng trước, một cuộc khảo sát gần đây do nhà sản xuất đồ vệ sinh cá nhân Nhật Bản Lion Corp thực hiện cho thấy 60,9% nam giới thích đi tiểu khi ngồi.
Trong số 1.500 người được hỏi ở độ tuổi 20 đến 60, chỉ có 2,7% suwari-shon là người trên 60 tuổi, trong khi 25,7% là người ngoài 20. Khoảng 37,5% số người khảo sát giải thích thói quen này hình thành khi thấy nước tiểu bắn ra ngoài, khoảng 27,9% ngại để người khác dọn bồn cầu vì mình làm mất vệ sinh. Ngoài ra, khoảng 19,3% tự dọn bồn cầu và nhận thấy sự mất vệ sinh này, trong khi 16,6% được người thân khuyên nên ngồi.
Tomoyuki Isowa, một chủ doanh nghiệp 53 tuổi ở Nagakute, thuộc tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản, cho biết lần đầu tiên ông được con trai yêu cầu đi tiểu ngồi khi về thăm nhà và sau đó bị thuyết phục bởi các chương trình truyền hình về thói xấu của đàn ông khi đi tiểu.
Một số cuộc khảo sát cho thấy rằng các bà mẹ và người vợ khuyến khích đàn ông trong gia đình ngồi xuống lúc đi tiểu để tránh việc phải vệ sinh bồn cầu bằng chất tẩy trắng không cần thiết.
Mặc dù những người ủng hộ “tachi-shon” (đi tiểu đứng ) cho rằng việc ngồi xuống hạn chế dòng chảy của nước tiểu, phần lớn đàn ông Nhật Bản dường như không thực sự quan tâm. Và với việc người trẻ tuổi có thể sử dụng điện thoại ở tư thế ngồi, số lượng người tập suwari-shon được dự đoán sẽ tăng lên.