Tuy nhiên, liên minh quân sự lớn nhất thế giới này vẫn cảm thấy đây chưa phải thời điểm thích hợp để cứng rắn với chương trình vũ khí của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, một phần do lối hành xử thân thiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Chính phủ Nga.
Theo tiết lộ từ 3 quan chức giấu tên của NATO, tổ chức này đồng ý với các đánh giá rộng rãi rằng vụ nổ hạt nhân tại Nyonoksa vào ngày 8.8 vừa qua chính là một phần của chương trình thử nghiệm tên lửa hạt nhân của Nga.
Các quan chức này cho biết NATO lúc đó không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, vì vụ việc xảy ra ở thời điểm có nhiều vấn đề mang tính chiến lược – từ Syria, Ukraine đến nghi án can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ – vốn đã làm mối quan hệ với Nga trở nên phức tạp.
“Việc phát triển một loại tên lửa dùng năng lượng hạt nhân, có khả năng mang theo các đầu đạn hạt nhân, rõ ràng đang là vấn đề khiến NATO lo ngại,” một quan chức tình báo quân sự phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.
|
NATO không muốn làm tổn hại quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin? (Ảnh:AP)
|
Tuy nhiên, vị quan chức này cho rằng đề xuất gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đưa Nga trở lại nhóm các nền kinh tế phát triển G-7 đã làm cản trở khả năng phản ứng một cách mạnh mẽ của NATO. Do Mỹ đang là đối tác và nhà tài trợ lớn nhất của NATO, nên giới chức tại đây đang rất dè dặt trong việc đưa ra bất kỳ động thái chỉ trích nào về sự thân thiện của Tổng thống Trump đối với Nga.
“Putin muốn quay trở lại G-8, nhưng ông ta lại đang thử nghiệm một cách bừa bãi các hệ thống vũ khí vốn đang bị hạn chế sử dụng,” một vị quan chức cấp cao khác cho biết tại Brussels.
3 vị quan chức giấu tên của NATO tiết lộ họ buộc phải lên tiếng trước sự dè dặt từ lãnh đạo các nước thành viên của NATO, để lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa thất bại của Nga và yêu cầu những câu trả lời thỏa đáng về chương trình vũ khí của Tổng thống Putin.
“Mỗi lần ông ấy (Tổng thống Putin) thách thức phương Tây bằng những cuộc thử nghiệm như thế này, phản ứng của NATO thường quá mềm mỏng và hời hợt," họ cho biết, "Và với việc Tổng thống Trump đề xuất đưa Nga tái gia nhập G-7, Putin sẽ không còn sợ các động thái trừng phạt như trước nữa. Những cuộc thử nghiệm tên lửa của ông ta thậm chí còn khiến các lệnh trừng phạt cũ được dỡ bỏ.
Giới lãnh đạo phương Tây có vẻ như đã cam chịu với việc phớt lờ vụ việc trên, để tập trung vào các mối bận tâm khác, nhưng việc bắn các lò phản ứng hạt nhân lên trời vào ngày 8.8 vừa qua sẽ không chỉ gây nguy hiểm đến các nhà khoa học Nga, mà còn với tất cả mọi người.”